Thanh niên phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) hướng dẫn công dân ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Tố Phương
Giữ vững top 3 Chỉ số PAPI
PAPI là chỉ số đo lường, so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả, chất lượng thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương. Năm 2021, Thanh Hóa đã có bước đột phá đầy ấn tượng khi vươn lên xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số PAPI (tăng 21 bậc so với năm 2020). Vượt qua những dự đoán không mấy khả quan của nhiều người khi cho rằng, Thanh Hóa đã gần “chạm ngưỡng” cải cách, rất khó để giữ vững thứ hạng này và không dễ dàng ghi thêm điểm trong mắt người dân. Thế nhưng, với quyết tâm vượt qua chính mình, Thanh Hóa vẫn xuất sắc khi một lần nữa được “xướng tên” ở vị trí thứ 3 cả nước với 46,01 điểm, sau vị trí quán quân là tỉnh Quảng Ninh (47,87 điểm) và vị trí thứ 2 là tỉnh Bình Dương (47,44 điểm).
Chương trình nghiên cứu PAPI năm 2022 đã lấy ý kiến của 16.117 người dân trên 18 tuổi trong phạm vi cả nước (đây là con số kỷ lục kể từ khi nghiên cứu PAPI bắt đầu được thực hiện năm 2009). Tại Thanh Hóa, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam tại Trung ương và địa phương, Công ty Phân tích thời gian thực và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tiến hành phỏng vấn đối với người dân ở 24 phố, thôn của 12 phường, xã thuộc 6 địa phương là Cẩm Thủy, Nông Cống, Quảng Xương, Hậu Lộc, Hoằng Hóa và TP Thanh Hóa. Các địa phương được lựa chọn phỏng vấn cung cấp danh sách người dân từ 18 tuổi trở lên có mặt trên địa bàn để họ lựa ngẫu nhiên và phỏng vấn trực tiếp người dân. Chỉ có người dân mới được biết nội dung phỏng vấn, vì vậy mà kết quả xếp hạng hoàn toàn trung thực và khách quan. Điều đáng phấn khởi là, trong 8 chỉ số nội dung được khảo sát từ người dân, Thanh Hóa có nhiều chỉ số nội dung nằm trong nhóm cao nhất cả nước đó là: Chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở tăng từ 5,85 điểm (năm 2021) lên 6,10 điểm năm 2022 (cao nhất cả nước); chỉ số công khai trong việc ra quyết định với người dân đạt 5,97 điểm (đứng thứ 3 cả nước); kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 7,28 điểm (đứng thứ 7 cả nước); thủ tục hành chính công đạt 7,43 điểm (xếp thứ 8 cả nước)...
Thanh Hóa chính thức tham gia vào bộ Chỉ số PAPI từ năm 2011. Thế nhưng, trong 10 năm (2011-2020), chỉ số PAPI của Thanh Hóa chỉ tăng 0,6 điểm, thuộc nhóm thấp của cả nước. Nhìn lại kết quả của 10 năm về trước để thấy rằng, sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến cơ sở trong 2 năm trở lại đây đã truyền “lửa cải cách” đến từng cán bộ, công chức, viên chức. Đó chính là “chìa khóa” quan trọng giúp Thanh Hóa mở cánh cửa thành công bằng việc giữ vững vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng Chỉ số PAPI - một kết quả không hề dễ để có được.
Chinh phục top 5 Chỉ số SIPAS
Sau PAPI, ngày 19-4-2023, Thanh Hóa tiếp tục đón nhận tin vui khi xác lập kỷ lục mới về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS). Nhiều năm xếp ở vị trí thấp trong bảng xếp hạng Chỉ số SIPAS, năm 2022, Thanh Hóa đã có sự bứt phá mạnh mẽ khi vươn lên vị trí thứ 5, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước (tăng 19 bậc so với năm 2021). Thành quả ngọt ngào này ghi dấu sự nỗ lực vượt bậc của Thanh Hóa khi kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu vì Nhân dân phục vụ.
Đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện dựa trên 9 nhóm tiêu chí, trong đó có 4 nhóm tiêu chí về xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công quan trọng đối với đời sống của người dân và 5 nhóm tiêu chí về cung ứng dịch vụ công. Trong 4 nhóm tiêu chí về xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công quan trọng đối với đời sống của người dân, Thanh Hóa xuất sắc khi có nhiều tiêu chí thành phần đứng top đầu cả nước. Nổi bật là: Mức độ hài lòng đối với trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước đứng thứ 3 cả nước với 85,88 điểm; mức độ hài lòng đối với cơ hội tham gia vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách đứng thứ 4 cả nước với 85,01 điểm; mức độ hài lòng đối với chất lượng chính sách đứng thứ 5 cả nước với 84,65 điểm...
“Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu của mọi sự phục vụ”, Thanh Hóa đã tập trung thực hiện thành công nhiều mô hình, cách làm chưa có tiền lệ. Năm 2022, cộng đồng mạng từng “tấm tắc khen” và chia sẻ một bức thư của chính quyền phường Điện Biên (TP Thanh Hóa) chúc mừng một công dân “nhí” mới chào đời. Những lời lẽ trong bức thư ngắn gọn nhưng xúc tích, chia sẻ niềm vui với công dân đã thực sự tạo mối quan hệ gần gũi, gắn kết hơn giữa chính quyền với người dân. Thời điểm đó, TP Thanh Hóa đã triển khai thực hiện việc gửi thư chúc mừng khai sinh và kết hôn, thư chia buồn khi gia đình có người thân qua đời. Chỉ 1 năm thực hiện, 34 phường, xã trên địa bàn thành phố đã gửi 4.177 thư chúc mừng khai sinh; gửi 1.967 thư chúc mừng cho các đôi nam nữ kết hôn; gửi 1.748 thư chia buồn đến các gia đình có thân nhân mất; gửi 527 thư xin lỗi và cảm ơn đến các tổ chức, cá nhân góp ý, đóng góp ý kiến trong quá trình phục vụ Nhân dân của chính quyền, cán bộ, công chức. Việc làm tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, thể hiện sự quan tâm, động viên kịp thời của chính quyền địa phương đối với các sự kiện vui, buồn của Nhân dân, góp phần xây dựng hình ảnh chính quyền, người cán bộ, công chức gần gũi, thân thiện, chiếm được thiện cảm của rất nhiều người.
Không riêng TP Thanh Hóa, năm 2022, toàn tỉnh đã xây dựng được 140 mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”. Nhiều địa phương đã triển khai đồng bộ đến các xã, phường, thị trấn như TP Thanh Hóa; các huyện Đông Sơn, Hà Trung, Yên Định, Hậu Lộc... Qua thực hiện mô hình đã làm thay đổi tích cực về nhận thức, tư duy, lề lối, tác phong làm việc của chính quyền theo hướng từ “mệnh lệnh hành chính” sang “hướng dẫn, phục vụ, vận động, thuyết phục” và xây dựng phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, gia tăng trách nhiệm phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Để các địa phương “thi đua” lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu của mọi sự phục vụ, gần đây nhất, ngày 17-5-2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 123/KH-UBND về triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” giai đoạn 2023-2030.Trong đó, giai đoạn 2023-2025, phấn đấu trên địa bàn tỉnh đạt 50% số xã, phường, thị trấn thực hiện đạt chuẩn mô hình; giai đoạn 2026-2030, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện đạt chuẩn mô hình. Điều này thể hiện rõ tinh thần “dám nghĩ, dám làm” của cả hệ thống chính trị vì lợi ích của Nhân dân.
Để tạo dựng niềm tin trong Nhân dân, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 876/QĐ-UBND về công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính, công khai xin lỗi trong giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong thực hiện Quyết định 876 giúp cho chất lượng phục vụ tổ chức, công dân ngày càng tốt hơn. Điều này không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa ứng xử mà sau lời xin lỗi và sự cầu thị sửa sai sẽ xóa đi được nhiều tâm tư, bức xúc của người dân và doanh nghiệp. Nói về việc xin lỗi công dân khi giải quyết thủ tục hành chính chậm trễ, anh Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Đông Minh (Đông Sơn), cho biết: “Chúng tôi xác định rất rõ, nếu xã giải quyết hồ sơ chậm hơn thời gian quy định thì đó là trách nhiệm của xã. Xã phải thông báo lý do bằng văn bản để giải thích và xin lỗi tổ chức, công dân, tránh những bức xúc không đáng có. Chúng tôi cũng rất vui khi cả năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023 chưa phải gửi thư xin lỗi tới tổ chức, công dân”.
Thanh Hóa đang đi đúng hướng khi mạnh dạn “trao quyền” đo lường, đánh giá mức độ hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước cho người dân. Nhiều hình thức khác nhau đã được thực hiện như: Phát phiếu khảo sát để tổ chức, công dân đánh giá mức độ hài lòng qua hòm thư góp ý; đánh giá trên tài khoản phần mềm “một cửa” điện tử; công khai số điện thoại đường dây nóng; qua địa chỉ Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống phản hồi Thanh Hóa (http://phanhoi.thanhhoa.gov.vn)... Sự khác biệt rất lớn ở đây là nếu phỏng vấn trực tiếp, tổ chức, công dân có thể sẽ không nói thật về suy nghĩ của mình, nhưng thông qua những cách làm này, tổ chức, công dân đánh giá rất khách quan và chính xác về chất lượng phục vụ của các địa phương, cơ quan, đơn vị. Năm 2022, Thanh Hóa tiếp nhận 1.065 phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân qua hệ thống http://phanhoi.thanhhoa.gov.vn và qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Sau khi tiếp nhận, tất cả phản ánh, kiến nghị được các cơ quan, đơn vị xử lý và công khai kết quả đúng thời gian quy định. Điều này được tổ chức, công dân đánh giá rất cao về tinh thần tiếp nhận cũng như trách nhiệm giải quyết của các đơn vị liên quan.
Hàng loạt những cách làm mới được áp dụng vào thực tế là minh chứng rõ nét về một Thanh Hóa không ngừng đổi mới trong định hướng, tư duy và hành động, giúp Thanh Hóa sau nhiều năm tham dự bảng xếp hạng Chỉ số SIPAS, lần đầu tiên được vinh danh ở vị trí thứ 5 của cả nước. Kết quả này là sự cộng hưởng của giá trị niềm tin từ Nhân dân, là sự phản ánh thực chất, khách quan nhất cho hiệu quả điều hành của bộ máy chính quyền theo hướng kiến tạo, vì Nhân dân phục vụ.
Bứt phá Chỉ số PAR INDEX
Nhiều năm về trước, nhắc tới Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Thanh Hóa, người ta nghĩ ngay đến top cuối của cả nước, không có gì nổi bật. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, cái tên Thanh Hóa đã thực sự gây ấn tượng mạnh khi có những thay đổi vượt bậc trong xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch. Có thể khẳng định như vậy khi xuất phát từ vị trí rất thấp trong bảng xếp hạng Chỉ số PAR INDEX, Thanh Hóa đã bứt phá “ngoạn mục” khi vươn lên vị trí thứ 10 cả nước năm 2022. Chỉ trong 5 năm, Thanh Hóa đã tăng tới 51 bậc. Từ chỗ xếp thứ 61 (năm 2017), Thanh Hóa đã “qua mặt” nhiều tỉnh, thành phố và cán đích ở vị trí thứ 10 (năm 2022) với 87,11 điểm. Đáng chú ý, số điểm Thanh Hóa đạt được trong 8 lĩnh vực đánh giá đều ở mức cao, trong đó: Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính (9 điểm); xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật (8,93 điểm); cải cách thủ tục hành chính (12,83 điểm); cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước (9,2 điểm); xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (11,61 điểm); cải cách tài chính công (10,29 điểm); hiện đại hóa hành chính (11,17 điểm); tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (14,8 điểm).
Thanh Hóa không chỉ dồn lực cho một chỉ số nhất định mà các chỉ số đều được thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt. Sự cải thiện đáng kể cả về điểm số và thứ hạng cải cách hành chính năm 2022 là minh chứng sống động, đưa Thanh Hóa trở thành địa phương nằm trong top đầu của cả nước ở nhiều lĩnh vực. Nổi bật như Thanh Hóa là một trong những tỉnh đi đầu trong việc tạo lập văn bản trên môi trường điện tử và sử dụng chữ ký số; hiện nay văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các cơ quan Nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định). Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến thuộc diện lớn nhất cả nước (600 điểm cầu) góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo môi trường hội họp hiện đại, nhanh chóng, tiết kiệm. Thanh Hóa cũng là 1 trong 8 bộ, ngành, địa phương đầu tiên của cả nước kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia, phục vụ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ mọi lúc, mọi nơi và công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, Thanh Hóa là địa phương đầu tiên thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp; là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu ngành thuế và ngành giao thông - vận tải, góp phần chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải. Chưa dừng lại ở đó, Thanh Hóa còn là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành mô hình chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã và ban hành quyết định giao chỉ tiêu hoàn thành chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Có thể khẳng định, năm 2022 là năm thành công nhất của Thanh Hóa trong hành trình cải cách và đổi mới. Sự bứt phá về thứ hạng cả 3 chỉ số PAPI, SIPAS và PAR INDEX cho thấy, mới bước sang năm thứ 2 của nhiệm kỳ 2020-2025, Thanh Hóa đã hiện thực hóa thành công mục tiêu nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước theo mục tiêu “Kế hoạch thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021–2025” đã đề ra. Thanh Hóa vẫn còn rất nhiều dư địa để cải cách, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp, của Nhân dân và cũng là kỳ vọng của tỉnh. Với tâm thế đó, Thanh Hóa xem đây là hành trình không có điểm dừng để tiếp tục vươn tới đích cao hơn, sớm trở thành “ngôi sao sáng” trong cải cách hành chính.
Tố Phương
Bài 2: Chỉ số PCI - nhìn lại để điều hành tốt hơn.