• :
  • :

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh chụp màn hình).

Dự tại điểm cầu Thanh Hóa có đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành liên quan.

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh

Đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Thanh Hóa.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có khoảng 1.200 dự án bất động sản, nhà ở thương mại đang bị vướng mắc không thể thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng; trong đó, chủ yếu là các vướng mắc pháp lý. Tuy nhiên, nhờ hoạt động tích cực của các Tổ công tác của Trung ương và địa phương nên đến nay cả nước đã tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn cho khoảng 100 dự án bất động sản, nhà ở.

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh

Đại diện sở, ngành dự hội nghị.

Mặc dù về mặt thể chế, các luật mới như Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng... đã được Quốc hội thông qua, song các luật chưa có hiệu lực thi hành dẫn đến chưa giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc tại thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, còn nhiều khó khăn trong việc tổ chức triển khai thực thi pháp luật, như: người thực thi pháp luật có tâm lý sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến giải quyết chậm; chưa rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn để đánh giá cụ thể nguyên nhân các dự án chưa triển khai hoặc chậm triển khai...

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh

Đại diện sở, ngành dự hội nghị.

Tại một số địa phương chưa thành lập Tổ công tác giải quyết khó khăn theo quy định, chưa tích cực trong việc giải quyết tháo gỡ và chưa có kết quả giải quyết cụ thể, triệt để, Tổ công tác đã nhiều lần gửi văn bản đôn đốc nhưng vẫn chưa có kết quả giải quyết báo cáo lại.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về thực trạng, khó khăn và đề xuất các giải pháp khả thi để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án bất động sản cho địa phương, doanh nghiệp. Trong đó, tập trung đề xuất xử lý các nhóm vướng mắc như: về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, chuyển nhượng dự án; về giao, thuê đất, định giá đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về một số bất cập của các văn bản dưới Luật...

Tại Thanh Hóa, qua rà soát, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 14 dự án nhà ở thương mại (đã lựa chọn nhà đầu tư) chưa bố trí đủ quỹ đất dành để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định, 4 dự án cần tiếp tục rà soát để đảm bảo đủ cơ sở trong việc xác định dự án chưa bố trí đủ quỹ đất dành để xây dựng nhà ở xã hội. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội nêu trên.

Về việc đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản, trong năm 2023, toàn tỉnh có 269 mặt bằng được quy hoạch đấu giá. Tổng diện tích đất đã đấu giá đạt 70 ha/718 ha, đạt tỷ lệ 10% so với kế hoạch. Tổng số tiền trúng đấu giá là 4.480 tỷ đồng/19.779 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 23% kế hoạch và bằng 66% so với cùng kỳ năm 2022.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Bất động sản là một ngành kinh tế quan trọng, có tác động lớn và là động lực của nhiều ngành kinh tế khác, nhất là lĩnh vực công nghiệp vật liệu xây dựng, ngân hàng, tín dụng... Khi hoạt động kinh doanh bất động sản phát triển sôi động, sẽ kéo theo hệ sinh thái với hàng trăm lĩnh vực tham gia, phát triển. Vì vậy, cần sự vào cuộc cởi mở, chia sẻ, quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản nói riêng, thị trường bất động sản nói chung.

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh chụp màn hình).

Phó Thủ tướng cho rằng, hiện phân khúc bất động sản dành cho người có thu nhập cao đang thừa, trong khi phân khúc bất động sản dành cho người thu nhập trung bình và thấp lại thiếu là những bất cập lớn cần điều chỉnh.

Phó Thủ tướng đề nghị Tổ công tác của Chính phủ và các địa phương cần xác định rõ nguyên nhân các vướng mắc; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý; đôn đốc các địa phương, các chủ đầu tư cùng tập trung nghiên cứu, tháo gỡ; đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi diễn biến tín dụng về bất động sản; thúc đẩy cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện; tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án đã được Tổ công tác của Thủ tướng rà soát; tích cực chủ động tổ chức làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, nhất là các dự án lớn để lắng nghe khó khăn, vướng mắc và giải quyết các vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền.

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, đơn vị trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.

Sau hội nghị trực tuyến của Chính phủ, tại điểm cầu Thanh Hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm đã phát biểu, chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung hoàn thiện các quy hoạch phân khu trên cơ sở quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó, UBND TP Thanh Hóa đẩy nhanh hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho các dự án bất động sản trên địa bàn thành phố sớm hoàn thành, cung ứng thêm nguồn cung ra thị trường.

Đồng chí cũng đề nghị khi các dự án bất động sản triển khai, Sở Xây dựng thực hiện giám sát chặt chẽ vấn đề bán các bất động sản hình thành trong tương lai, tránh việc chủ đầu tư bán nhà, đất khi chưa đủ điều kiện pháp lý. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai hiệu quả gói 120.000 tỷ đồng cho người mua nhà, đất có nhu cầu được tiếp cận thuận lợi.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết