Các đại biểu tại điểm cầu Thanh Hóa.
Cùng tham gia có đại diện lãnh đạo các ủy ban liên quan của Quốc hội; các bộ, ban, ngành ở Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các sở, ngành, đơn vị của các địa phương.
Dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa có đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị, đến hết năm 2022 cả nước có 6.001/8.211 xã đạt chuẩn NTM, 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố đạt chuẩn NTM. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều duy trì giảm từ 1 đến 1,5%/năm.
Về tình hình phân bổ vốn thực hiện 3 CTMTQG năm 2023, đến nay đã có 42/48 địa phương được phân bổ ngân sách Trung ương với hơn 18.800 tỷ đồng, còn lại 6 địa phương chưa phân bổ hết hoặc đang chờ HĐND cấp tỉnh họp phê duyệt.
25 địa phương bố trí ngân sách đối ứng với tổng kinh phí gần 5.430 tỷ đồng để thực hiện các chương trình. Tuy nhiên, quá trình giải ngân vốn và thực hiện các chương trình còn có nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang thể hiện quyết tâm của tỉnh Thanh Hoá trong thực hiện 3 CTMTQG. Đồng thời, khái quát những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ các chương trình MTQG.
Tại Thanh Hóa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Tỉnh dành một phần ngân sách không nhỏ để thực hiện các chương trình, và đã có những bước vươn lên mạnh mẽ.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, với 2 CTMTQG là Xây dựng Nông thôn mới (XDNTM) và Xóa đói giảm nghèo bền vững, Thanh Hóa có nhiều đặc thù và khó khăn, nhưng luôn được Trung ương đánh giá cao với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thời gian gần đây tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh, hiện còn dưới 5%. Là tỉnh có số lượng xã XDNTM nhiều nhất cả nước với 465 xã, nhưng đến nay đã có 349 xã đạt chuẩn.
Tuy nhiên, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu những khó khăn của tỉnh trong thực hiện các chương trình, bày tỏ nhiều trăn trở như còn huyện vùng cao Mường Lát đang “trắng” xã NTM; 115 xã chưa đạt chuẩn của tỉnh đa số ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở 6 huyện 30a nghèo nhất cả nước và 20 xã đặc biệt khó khăn.
Riêng CTMTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện còn nhiều vướng mắc trong thực hiện, trong đó chưa có hướng dẫn cụ thể từ Trung ương về lồng ghép các dự án, tiêu chí chọn các dự án ưu tiên…
Nhân dịp này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ, ngành được giao chủ trì các chương trình có những hướng dẫn cụ thể về sử dụng vốn sự nghiệp, về lồng ghép các dự án, hỗ trợ Thanh Hóa tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chỉ tiêu 17.1 về nước sạch tập trung trong XDNTM ở miền núi.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cam kết sẽ hết sức cố gắng thực hiện các CTMTQG vì mục tiêu nâng cao đời sống Nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực miền núi và thành thị của tỉnh; đồng thời mong muốn Ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ, ngành ở Trung ương tiếp tục quan tâm, đồng hành, hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa trong thực hiện các chương trình.
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là Chương trình XDNTM. Đồng thời mong muốn Ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ, ngành có thêm những hướng dẫn cụ thể để thực hiện một số nội dung vẫn còn chung chung. Lãnh đạo nhiều bộ ngành Trung ương cũng chỉ ra những bất cập trong thủ tục hành chính, phân bổ vốn thực hiện cơ chế, lồng ghép các chương trình, phân cấp phân quyền trong thực hiện ở các khâu… cần được nhìn nhận để khắc phục.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu kết luận hội nghị (Ảnh chụp màn hình).
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thừa nhận nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình chung có sự chồng chéo, chưa thực sự phù hợp với một số địa phương cụ thể. Việc thực hiện giải ngân vốn phân bổ thực hiện chương trình của đa phần địa phương đều chậm.
Trên cơ sở tiếp nhận các ý kiến phản ánh tại hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành ở Trung ương liên quan trực tiếp có văn bản giải trình, hướng dẫn thực hiện một số nội dung theo kiến nghị của các địa phương trước ngày 31-3. Đồng thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình lồng ghép 3 CTMTQG.
Đồng chí lưu ý các địa phương hạn chế tối đa việc chia kinh phí triển khai quá nhiều dự án dẫn đến phân tán và dàn trải, không đạt được mục đích chung của chương trình. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các địa phương có thể liên hệ trực tiếp Phó Thủ tướng để phản ánh, trao đổi và xin ý kiến giải quyết.