Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Sáng 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 nhằm “đẩy nhanh phục hồi-tăng tốc phát triển.”
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ và trực tuyến với đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố; đại diện các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh du lịch và các ngành liên quan; các chuyên gia nghiên cứu kinh tế.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết hội nghị này là hội nghị lần thứ 3 toàn quốc về phát triển du lịch nhằm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Khi Nghị quyết 08 được triển khai thì xảy ra dịch COVID-19. Kể từ sau Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020, ngành du lịch đã trải qua 2 năm khó khăn, chịu thiệt hại nặng nề do tác động của dịch COVID-19.
Trước tác động nặng nề đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và có những biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động; nhất là phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Nhờ các quyết sách đúng đắn và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp, dịch COVID-19 được kiểm soát. Đúng 1 năm trước, ngày 15/3/2022, khi dịch COVID-19 được kiểm soát khá vững chắc, Chính phủ đã quyết định mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế nhập cảnh, đón khách quốc tế sớm hơn so với rất nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Đây là bước ngoặt quan trọng để phục hồi kinh tế-xã hội.
Với những nỗ lực, cố gắng rất lớn của ngành du lịch, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, năm 2022, thị trường du lịch Việt Nam đã từng bước được khôi phục.
Tuy nhiên, nhiều nước, thị trường, đối tác du lịch lớn, truyền thống của ta diễn biến dịch bệnh còn phức tạp và phải thực hiện các biện pháp hạn chế xuất nhập cảnh. Bên cạnh đó, tác động tiêu cực bởi xung đột Nga-Ukraine đã làm cho du lịch Việt Nam gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thu hút khách du lịch quốc tế.
Theo Thủ tướng, năm 2023 và thời gian tới, các rào cản xuất nhập cảnh do COVID-19 sẽ được xóa bỏ. Động thái này sẽ mang lại những cơ hội, thuận lợi nhưng cũng rất nhiều khó khăn, thách thức, cạnh tranh giữa ta và các thị trường du lịch khác. Để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đề ra, đòi hỏi phải tìm được lời giải cho các bài toán ngắn hạn, dài hạn.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thảo luận, phân tích kỹ tình hình, thời cơ, thuận lợi, khó khăn; nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong phát triển du lịch thời gian qua và giải pháp phát triển du lịch thời gian tới; kinh nghiệm quốc tế trong phát triển du lịch...
Du khách quốc tế tham quan làng cổ Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)
Trước mắt, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu năm 2023 đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 650 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu thảo luận, trả lời các câu hỏi về: phát triển du lịch đã đi đúng hướng, phù hợp chưa? Các bộ, ngành, địa phương đã khai thác, phát huy hết các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh du lịch chưa? Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đã tốt chưa? Tại sao vẫn còn tình trạng làm du lịch manh mún, thiếu bền vững? Tại sao tỷ lệ khách quốc tế trở lại Việt Nam vẫn thấp?...
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đề xuất, hiến kế các chính sách về phát triển hạ tầng; xúc tiến, quảng bá du lịch; đảm bảo vệ sinh, môi trường; việc phát triển văn hóa gắn với du lịch; huy động nguồn lực, nhất là hợp tác công tư cho phát triển du lịch; chính sách visa, chính sách lao động, công nghệ... để tạo đột phá trong phát triển du lịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
“Trách nhiệm phát triển du lịch nhanh, bền vững là của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp; không phải trách nhiệm của riêng ai. Nên chăng chúng ta phát động một phong trào xây dựng đất nước xanh, sạch, đẹp để phát triển kinh tế-xã hội và du lịch nhanh, bền vững?,” Thủ tướng đặt vấn đề.
Theo Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, trước dịch COVID-19, lượng khách quốc tế đã tăng 2,3 lần trong vòng 4 năm, từ 7,9 triệu lượt (năm 2015) lên 18 triệu lượt (năm 2019), tăng trưởng bình quân 22,7%/năm.
Theo các báo cáo hằng năm của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), đây là mức cao hàng đầu thế giới. Năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN (chỉ sau Thái Lan, Malaysia), tăng trưởng 16,2%, cao hơn hăn mức trung bình toàn cầu (3,8%) và khu vực châu Á và Thái Bình Dương (4,6%).
Trong khi đó, khách nội địa tăng 1,5 lần, từ 57 triệu lượt (năm 2015) lên 85 triệu lượt (năm 2019), tăng trưởng bình quân 10,5% năm. Tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước của ngành du lịch lên đến 9,2%. Du lịch góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá; bảo vệ môi trường và giữ vững quốc phòng, an ninh quốc gia.
Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cầu hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng phát triển; hệ thống sản phẩm du lịch đã và đang được hình thành, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam ngày càng được cải thiện, xếp hạng 63/140 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2019, tăng 17 bậc so với năm 2011. Năm 2021, xếp thứ 52/117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, Việt Nam là 1 trong 3 nước có tốc độ tăng trưởng ngành du lịch cao nhất.
Đại dịch COVID-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu đã tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch thế giới cũng như Việt Nam. Năm 2020, cả nước chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019, công suất buồng bình quân cả nước chỉ đạt 20%; 52% lao động du lịch mất việc làm; tổng thu từ khách du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 57,8% so với năm 2019.
Từ tháng 11/2021, Việt Nam đã bước đầu thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Năm 2021, Việt Nam đón khoảng 3.800 lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ khoảng 40 triệu lượt khách du lịch nội địa, công suất buồng bình quân ước chỉ đạt khoảng 5%, chỉ có 25% lao động du lịch được tham gia công việc toàn thời gian, tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 180.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ 2020.
Khách quốc tế tham quan trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh bằng xích lô. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Đặc biệt, từ ngày 15/3/2022, Chính phủ đã quyết định mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch. Với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành và nỗ lực toàn Ngành, hoạt động du lịch đã dần khôi phục trở lại, đặc biệt là du lịch nội địa.
Năm 2022, lượng khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn 150% so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch và đạt 66% so với mức kỷ lục năm 2019.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt (vẫn giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019), đạt 70% so kế hoạch./.
Theo Vietnam+