• :
  • :

Thực hiện khâu đột phá, Như Thanh thu hút vốn đầu tư phát triển kết cầu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đạt chuẩn

Thực hiện khâu đột phá, Như Thanh thu hút vốn đầu tư phát triển kết cầu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đạt chuẩnCác cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Như Thanh đã và đang hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, huyện Như Thanh đã xây dựng kế hoạch thực hiện khâu đột phá về thu hút vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đạt chuẩn. UBND huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, đề án, phương án và chương trình hành động tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Đồng thời thực hiện chính sách ưu đãi về thuế, giảm thiểu các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, các thủ tục về đất đai, môi trường... Rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công khai quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng. Niêm yết công khai quy trình, thủ tục hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, công chức về thái độ, trách nhiệm, tác phong thực hiện công vụ.

UBND huyện thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin với các chủ doanh nghiệp, phối hợp cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình hình thành dự án cũng như trong sản xuất, kinh doanh. Tăng cường quản lý Nhà nước về xúc tiến thương mại, đề xuất các giải pháp kích thích, quảng bá, giao thương sản phẩm, hỗ trợ thị trường, mở rộng xuất khẩu hàng hóa, xây dựng thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp gắn với xây dựng hình ảnh của huyện. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động kinh doanh trái phép, buôn lậu và gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào các cụm công nghiệp; thực hiện công khai quỹ đất chưa sử dụng, đất chưa cho thuê, cho thuê lại trong cụm công nghiệp, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư và tiếp cận đất đai. Tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ, tiếp cận nguồn vốn, khoa học-công nghệ, tư vấn pháp lý. Cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, dự án kêu gọi đầu tư, tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền, địa phương trong huyện cho các nhà đầu tư... Vì vậy hằng năm thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư các công trình dự án về thủy lợi, giao thông trọng điểm của huyện. Tổng số công trình, dự án đầu tư trên địa bàn tính từ năm 2021 đến nay là 267 công trình với tổng vốn đầu tư trên 569 tỷ đồng. Với các công trình trọng điểm gồm: Dự án Cụm Công nghiệp Vạn Thắng - Yên Thọ có diện tích 49,87 ha, Cụm Công nghiệp Hải Long - Xuân Khang với diện tích 48,85 ha; dự án khu đô thị mới Hải Vân với tổng mức đầu tư 940 tỷ đồng... Toàn huyện hiện có 346 doanh nghiệp, trong đó có 216 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Mặc dù đã nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư nhưng hiện tại số doanh nghiệp, công ty đầu tư vào địa bàn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện. Để đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư, thời gian tới, huyện tiếp tục tranh thủ tối đa những thuận lợi từ cơ chế, chính sách mới của Trung ương để tập trung chỉ đạo, điều hành các đơn vị, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chương trình, kế hoạch đã phê duyệt. Đồng thời, triển khai thực hiện quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo và kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp ở từng thời điểm, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, tăng thu nhập cho người dân. Chú trọng quảng bá, giới thiệu với doanh nghiệp trong nước, ngoài nước về tiềm năng, thế mạnh và cơ chế, chính sách thông thoáng của tỉnh, của huyện để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về môi trường đầu tư; vận động Nhân dân ủng hộ việc triển khai các dự án trên địa bàn. Làm tốt công tác hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án đầu tư. Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin, công khai minh bạch các thông tin liên quan để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế. Tranh thủ sự ảnh hưởng sức lan tỏa của Khu Kinh tế Nghi Sơn để hình thành các khu công nghiệp phụ trợ. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh vào cụm công nghiệp. Tiếp tục ưu tiên năng lực sản xuất ngành công nghiệp truyền thống, sử dụng nhiều lao động ở địa phương, như: Chế biến gỗ xuất khẩu, chế biến sữa, phụ gia xi măng, may, giày da xuất khẩu và sản xuất vật liệu xây dựng... Đồng thời, thu hút thêm các dự án lớn, công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bài và ảnh: Quốc Hương


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết