Đồng chí Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát.
Tại buổi làm việc, các ý kiến của DN thống nhất đánh giá: Thời gian qua công tác CCHC, trọng tâm là công tác cải cách TTHC được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định CCHC là một trong những khâu đột phá, các đồng chí lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, điều hành quyết liệt, các cấp, ngành đã công khai TTHC. Công tác cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm.
Đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát.
Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành các Kế hoạch hoạt động kiểm soát TTHC, Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC trọng tâm, nhiều TTHC đã được rà soát, kiến nghị bãi bỏ hoặc đơn giản hóa, giảm bớt thời gian thực hiện. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN và người dân đến giao dịch. Một số sở, ngành, địa phương thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, như: Sở Công thương, Cục Thuế, Cục Hải quan Thanh Hóa, huyện Thọ Xuân, Như Thanh...
Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Thanh Hóa cho rằng:Thời gian qua, công tác CCHC, trọng tâm là công tác cải cách TTHC đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN và người dân đến giao dịch.
Trong không khí thẳng thắn, xây dựng, các ý kiến của DN cũng cho rằng: Bên cạnh một số kết quả tích cực, công tác CCHC tại một số sở, ban, ngành, địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục, như: Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị của địa phương chưa nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác CCHC; Chưa chủ động nghiên cứu, đề ra các giải pháp đổi mới trong quá trình quản lý Nhà nước, còn ngại khó, duy trì cách làm cũ. Bộ phận phụ trách công tác cải cách TTHC, kiểm soát TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin và trực tiếp tiếp nhận, giải quyết TTHC còn lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ. Việc giải quyết một số TTHC có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực chưa được phối hợp nhịp nhàng, có hồ sơ còn để quá hạn giải quyết; tổ chức bộ máy nhiều nơi còn cồng kềnh; kỷ luật, kỷ cương hành chính công chưa thực sự nghiêm; còn thiếu đồng bộ trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính.
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đề nghị chính quyền các cấp cần tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn DN trong giải quyết TTHC. Chính quyền cần xem DN là khách hàng, là đối tượng phục vụ, từ đó yêu cầu cán bộ có thái độ, hành vi chuẩn mực.
Thảo luận tại buổi làm việc, nhiều DN phản ánh: Hiện tại, việc giải quyết các thủ tục liên quan đến đất đai còn rườm rà, tốn nhiều thời gian, tình trạng trả lại hồ sơ mà không có giải thích, hướng dẫn cụ thể còn diễn ra. Việc tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh còn khó khăn, thủ tục phức tạp. Các DN đề nghị chính quyền các cấp cần tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn DN trong giải quyết TTHC. Chính quyền cần xem DN là khách hàng, đối tượng phục vụ, từ đó yêu cầu cán bộ có thái độ, hành vi chuẩn mực.
Bà Trịnh Thị Loan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Thanh Hóa phát biểu tại buổi giám sát.
Về vấn đề thượng tôn pháp luật, các doanh nghiệp cho rằng phải từ cả 2 phía DN và chính quyền, và phải cùng chung một mục đích đó là vì sự phát triển chung của tỉnh, vì đời sống của người lao động và Nhân dân. Đồng thời, đề nghị Nhà nước cần hoàn thiện các quy định của pháp luật, tránh tình trạng một câu luật nhưng được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, dẫn đến tùy tiện trong quá trình áp dụng, ảnh hưởng đến quyền lợi ích chính đáng của DN.
Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Quang Hải đã trân trọng những ý kiến đóng góp của cộng đồng DN và tiếp thu những nội dung này để báo cáo HĐND tỉnh trong kỳ họp tới.