Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng và các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy khảo sát bến cảng tổng hợp PTSC, Khu bến Nam Nghi Sơn.
Cùng tham gia đoàn công tác có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và một số nhà đầu tư về cảng biển.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng và các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy khảo sát bến cảng tổng hợp PTSC, Khu bến Nam Nghi Sơn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng và các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy khảo sát khu cảng container số 2 thuộc Công ty CP gang thép Nghi Sơn và khảo sát khu bến Bắc mở rộng Cảng Nghi Sơn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng và các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng các thành viên trong đoàn đã đến khảo sát thực tế tại bến cảng tổng hợp PTSC, Khu bến Nam Nghi Sơn, khu cảng container số 2 thuộc Công ty CP gang thép Nghi Sơn và khảo sát khu bến Bắc mở rộng Cảng Nghi Sơn…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng chủ trì buổi làm việc.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng dự buổi làm việc.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng dự buổi làm việc.
Ngay sau khi khảo sát thực địa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng và các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với các sở, ngành liên quan và một số nhà đầu tư về cảng biển để giải quyết những vấn đề về việc bổ sung lập Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Thanh Hóa.
Đồng chí Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Khiên báo cáo về việc lập Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Trong những năm qua, được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương; sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN, Sở Giao thông - Vận tải, các sở, ngành, UBND thị xã Nghi Sơn và sự ủng hộ của Nhân dân, hạ tầng cảng biển Nghi Sơn từng bước được đầu tư, theo đó lượng hàng hóa thông qua cảng ngày càng tăng, vượt công suất thiết kế, góp phần nâng cao năng lực hệ thống cảng biển Thanh Hoá.
Cảng biển Thanh Hóa có tốc độ phát triển lượng hàng thông qua cảng rất nhanh. Năm 2021 lượng hàng hoá thông qua cảng khoảng 43,03 triệu tấn, đảm bảo khối lượng hàng hóa theo dự báo, chiếm khoảng 50% tổng lượng hàng qua Nhóm cảng biển số 2 (bằng cả lượng hàng thông qua cảng biển Nghệ An và Hà Tĩnh cộng lại), phù hợp với dự báo lượng hàng theo quy hoạch được duyệt đến năm 2020 là từ 38,7 đến 44,7 triệu tấn. Trong đó qua khu bến Nghi Sơn chiếm 99,3%, còn lại 0,7% tại khu bến Lệ Môn.
Những năm gần đây Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thu hút các nhà đầu tư khai thác cảng; đặc biệt là chính sách thu hút các hãng tàu nước ngoài vào cảng để bốc xếp hàng container, từ đó tạo nên diện mạo mới và quảng bá hình ảnh cho cảng biển Nghi Sơn, thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các dự án cảng biển và liên quan đến cảng biển.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cảng biển tại Nghi Sơn vẫn còn tồn tại, hạn chế, như: Kết cấu hạ tầng cảng biển và hệ thống dịch vụ hỗ trợ cho cảng biển phát triển còn manh mún, nhỏ lẻ; hệ thống hạ tầng phục vụ kết nối giữa các phương thức vận tải như cảng cạn, trung tâm logistics, kho bãi hàng hóa hầu như đang chỉ phục vụ nhu cầu trực tiếp của các cơ sở sản xuất công nghiệp (thép, xi măng)… Cảng Nghi Sơn chưa có trung tâm logistics lớn hoạt động, các dịch vụ liên quan đến logistics chưa hỗ trợ được nhiều cho chủ hàng trong khi chi phí dịch vụ lại khá cao, nguồn nhân lực còn thiếu, chất lượng chưa cao; việc phát triển cảng biển và dịch vụ logistics chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của cảng Nghi Sơn. Các cầu cảng xây dựng còn manh mún, nhỏ lẻ; không có các doanh nghiệp logistics quy mô lớn, chuyên nghiệp; hậu phương bãi cảng tại khu tổng hợp số 1 là khá hẹp (chỉ khoảng 250 m) làm hạn chế khả năng khai thác… Khả năng thu hút hàng container còn hạn chế; các doanh nghiệp logistics hoạt động tại cảng biển Nghi Sơn mới chỉ dừng lại ở việc giao nhận vận tải, gom hàng lẻ chứ chưa thể tích hợp, tổ chức và liên kết các hoạt động trong chuỗi logistics.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuân Sinh phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi phát biểu tại buổi làm việc.
Sau khi khảo sát thực địa, các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy đã phân tích những tiềm năng, lợi thế mà Cảng Nghi Sơn đang có, đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong quy hoạch, đầu tư cảng biển đang làm cản trở sự phát triển ở Cảng Nghi Sơn.
Trên cơ sở thực tế, các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc đề nghị cần thực hiện nghiêm quy hoạch; các nhà đầu tư cảng hiện tại phải khai thác đúng chức năng là cảng tổng hợp, không được biến cảng tổng hợp thành cảng chuyên dụng; cùng với đó tập trung kêu gọi, hỗ trợ nhà đầu tư để đầu tư cảng container…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết, bởi các lý do đó là: Thực hiện Luật Quy hoạch, Bộ Giao thông - Vận tải đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiều quy hoạch chuyên ngành, trong đó có quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển. Thanh Hóa là địa phương có biển, hệ thống cảng biển cho nên cần phải triển khai quy hoạch cảng biển. Tại Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị đã xác định công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chính vì vậy cần phát triển cảng biển cần phải có quy hoạch. Mặt khác, Thanh Hóa có tiềm năng, thế mạnh từ biển, vì vậy cần quan tâm phát triển kinh tế biển, làm giàu từ biển.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Trước yêu cầu thời kỳ phát triển mới, tỉnh Thanh Hóa cần phải có quy hoạch cảng biển để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đóng góp vào tăng trưởng mới của tỉnh. Việc triển khai quy hoạch cảng biển nhằm khắc phục những hạn chế trong quá trình phát triển hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh. Qua nghe báo cáo quy hoạch, tập thể Thường trực Tỉnh ủy thống nhất cao với quy hoạch được Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa quy hoạch cảng biển vào thực tiễn cuộc sống nhanh nhất và có hiệu quả cao, khắc phục được những tồn tại, hạn chế, Thường trực Tỉnh ủy lưu ý một số nội dung gồm: Trong quy hoạch ở phần bổ sung, sửa đổi, cập nhật cần lưu ý ở phần quy hoạch mới theo định hướng sẽ triển khai cảng tổng hợp, cảng container (trừ trường hợp một số nhà máy điện khí được triển khai cảng chuyên dùng, nhưng vẫn phải có mục tiêu cảng tổng hợp )
Quy hoạch cảng biển cần lưu ý đón được tàu có trọng tải từ 200.000 đến 300.000 tấn. Trong quy hoạch chung cần phải có quy hoạch đất công nghiệp - dịch vụ. Cần phải nghiên cứu đầu tư hạ tầng các khu tái định cư trước, để di dân khi có chủ trương đầu tư dự án. Trong quy hoạch cần cập nhật vấn đề giao thông trong nội bộ Khu kinh tế Kinh Sơn và các khu công nghiệp và phải tính đến giao thông đối ngoại, giao thông kết nối.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng cũng lưu ý: Quy hoạch cần phải tôn trọng lịch sử, không vì thu hút phát triển cảng biển mà quên đi những nhà đầu tư đã gắn bó từ trước đến nay.
Trên cơ sở thống nhất của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan làm việc với các nhà đầu tư cảng chuyên dùng yêu cầu phải chấp hành và thực hiện theo đúng quy hoạch. Cùng với đó cần phải bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đối với cảng PTSC cần triển khai phát triển cảng tổng hợp theo hướng liên thông và phát triển cảng container, dịch vụ logistics. Bên cạnh đó cảng PTSC cần có báo cáo với tỉnh về lộ trình phát triển cảng. Đối với việc phát triển cảng biển của Công ty CP gang thép Nghi Sơn cần phải có chiến lược phân kỳ đầu tư và triển khai sớm.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã cho ý kiến vào việc quy hoạch một số địa điểm trung tâm kho bãi phục vụ cho phát triển cảng biển.
Để việc Quy hoạch cảng biển được triển khai có hiệu quả, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng yêu cầu các sở, ngành, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp cần tập trung tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của Khu kinh tế Nghi Sơn nói chung và Cảng Nghi Sơn nói riêng. Tập trung lo phát triển sản xuất, thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất. Quan tâm đầu tư giao thông kết nối giữa Nghi Sơn với những vùng lân cận và giữa tỉnh với các tỉnh khác. Sớm báo cáo với Chính phủ thông qua gói nạo vét luồng cảng. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực thi nhiệm vụ. Tích cực quan tâm đồng hành cùng với nhà đầu tư, với người dân để tập trung hiện thực hóa quy hoạch.