Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Lãng phí tài nguyên đất, nhất là đất nông nghiệp - nơi đã đem lại hạt lúa, củ khoai nuôi ta lớn, luôn là câu chuyện day dứt. Tuy nhiên không phải nông dân nào cũng muốn bỏ đất, mà bởi còn có những vấn đề đang trói buộc, khiến cho ở nhiều nơi đất khó nở hoa. Trên thực tế, ngoài diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang do nông dân chủ động chuyển đổi sinh kế đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hay diện tích đất bị bỏ hoang do nằm trong vùng xen kẹt của các dự án đang giải phóng mặt bằng, thì cơ bản đất ruộng bị bỏ hoang do khó khăn về nguồn nước tưới, một số diện tích lại nằm trong vùng trũng thấp thường bị thiên tai đe dọa. Những diện tích khác thì manh mún, ở địa bàn xa, đòi hỏi chi phí cao trong gieo cấy, thu hoạch...
Giải pháp để sản xuất hiệu quả hơn trên những diện tích đất nông nghiệp này là đưa cơ giới hóa vào cải tạo đất đai, chủ động được tưới, tiêu, có hạ tầng giao thông phù hợp để phục vụ sản xuất, thu hoạch. Nhất là phải từng bước chuyển đổi cây trồng, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào để tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích canh tác. Tuy nhiên, những vấn đề này đều phải cần vốn, thậm chí là nguồn vốn lớn để đảm bảo kế sách sản xuất lâu dài. Thế nhưng đó là điều không dễ với những chủ sở hữu đất hiện tại. Dù thời gian qua đã có nhiều nguồn vốn hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, vốn chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo hướng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nhưng trước thực tế đặt ra của đồng đất, kiến nghị của cử tri, tiếp tục đòi hỏi và đặt ra yêu cầu là cần phải có thêm những nguồn vốn phù hợp và kịp thời cho những đối tượng nông dân tiếp cận. Nhất là, ngân hàng cần phải đơn giản thêm nữa các thủ tục vay, linh hoạt thời gian cho vay, để nông dân dễ dàng tiếp cận, đảm bảo thời gian trả nợ. Cùng với đó phải đẩy mạnh thêm quá trình dồn đổi ruộng đất tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới và tiến bộ khoa học vào đồng ruộng. Ngày 11-1-2019 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việc tích tụ đất đai đang được các địa phương thực hiện, nhưng cần phải đẩy mạnh hơn nữa để nguồn lực đất đai không bị lãng phí.
Bên cạnh đó, thời gian qua số công nhân di cư từ các khu công nghiệp về nông thôn cũng khá nhiều. Nếu tuyên truyền tốt, có giải pháp phù hợp, tin là những công nhân này sẽ sớm trở lại với nghề nông, giúp cho nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang chưa bị thu hồi được canh tác trở lại, qua đó cũng giải quyết được bài toán an sinh, sinh kế trước mắt ở một số khu vực nông thôn.
Thái Minh