Năm 2022, Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) hai cấp tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, các Chỉ thị, chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao. Trước những khó khăn những tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, với sự lãnh đạo, chỉ đạo bài bản, quyết liệt của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện KSND tỉnh; sự đoàn kết thống nhất, tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao của công chức, người lao động trong ngành, đã đạt được những kết quả nổi bật, góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng, chống vi phạm và tội phạm, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
VKSND hai cấp tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội giao, hầu hết các chỉ tiêu vượt yêu cầu đề ra và có tỷ lệ đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (số chỉ tiêu đạt là 124/124 chỉ tiêu phát sinh - đạt tỷ lệ 100%, số chỉ tiêu vượt là 59/59 chỉ tiêu có thể tính vượt - đạt tỷ lệ 100%), điển hình như: tỷ lệ bắt giữ chuyển xử lý hình sự đạt 99,9% (vượt 2,9%) so với chỉ tiêu của ngành), tỷ lệ giải quyết án của Viện kiểm sát đạt 99,95% (vượt 4,95% so với chỉ tiêu của ngành), kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm, phòng ngừa trong thụ lý, giải quyết tin báo, tố giác và kiến nghị khởi tố vượt 53 kiến nghị, tăng 20 kiến nghị, kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm trong công tác xét xử vụ án hình sự vượt 24 kiến nghị, tăng 6 kiến nghị.
Kiến nghị trong công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự vượt 328 kiến nghị, tăng 72 kiến nghị..., tỷ lệ các kiến nghị được tiếp thu, chấp nhận đạt 100%, vượt 10% so với chỉ tiêu của ngành; các phòng nghiệp vụ đã ban hành 94 thông báo rút kinh nghiệm đối với câp huyện trong các khâu công tác, vượt 66 thông báo so với chỉ tiêu của ngành.
Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng, hiệu quả giải quyết án được nâng cao, đảm bảo chính xác, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm thuộc trường hợp phải bồi thường hoặc Viện kiểm sát truy tố, Toà án tuyên không phạm tội.
Các vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, án trọng điểm cơ bản được điểu tra, truy tố, xét xử kịp thời. Kiến nghị phòng ngừa thực sự đạt hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao. Công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát và các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan hữu quan được tăng cường. Các khâu công tác xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá như công tác kiếm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự... thực sự đạt hiệu quả.
Năm 2022, VKSND tỉnh tiếp tục xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Lãnh đạo VKSND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của VKSND tỉnh. Tăng cường tổ chức Hội nghị giao ban VKSND hai cấp bằng hình thức trực tuyến. Đẩy mạnh việc “Số hóa hồ sơ” ở các khâu công tác nghiệp vụ; thực hiện việc trình chiếu tài liệu, chứng cứ (đã số hóa) tại các phiên tòa xét xử vụ án hình sự.
Tổ chức triển khai, nhân rộng ứng dụng phần mềm Microsoft Excel trong công tác kiểm sát thời hạn tạm giam và ứng dụng phần mềm Microsoft Excel trong công tác thống kê theo dõi, quản lý toàn bộ quá trình thụ lý, giải quyết nguồn tin tố giác về tội phạm, quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự tại các phòng nghiệp vụ trực thuộc VKSND tỉnh.
Phối hợp với Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa tổ chức 1 khóa tập huấn chuyên sâu về chuyên đề ứng dụng phần mềm Microsoft Word, Excel, Powerpoint vào hoạt động công tác của VKSND với sự tham gia của toàn bộ Kiểm sát viên, công chức, người lao động VKSND tỉnh Thanh Hóa; 1 khóa tập huấn (gồm 8 lớp) bồi dưỡng tin học văn phòng, úng dụng công nghệ thông tin với sự tham gia của toàn thể lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức của VKSND hai cấp.
Năm 2022, ngành Kiểm sát Thanh Hóa tiếp tục xác định công tác tổ chức cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt; trong công tác đào tạo, bồi dưỡng VKSND tỉnh đã chú trọng đổi mới mạnh mẽ, toàn diện về phương pháp, nội dung và hình thức đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng (hình thức chủ yếu là đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ). Chủ động phối hợp với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, các đơn vị VKSND tối cao mời các chuyên gia có bề dày kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ cao tổ chức thành công 9 khóa tập huấn, 5 cuộc thi ở tất cả các khâu công tác cho Kiểm sát viên, công chức trong toàn ngành. Hưởng ứng cuộc thi “Bác Hồ với Thanh Hóa, Thanh Hóa làm theo lời Bác” do Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hưởng ứng kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa; cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ hai năm 2022. Công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát và các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan hữu quan được tăng cường và đạt kết quả cao.
Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, còn có một số Kiểm sát viên chưa chủ động thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, dẫn đến công tác phối hợp ở một số đơn vị VKSND cấp huyện với các cơ quan liên quan có lúc, có việc chưa chặt chẽ, thiếu linh hoạt, hiệu quả chưa cao, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp. Qua công tác kiểm sát, một số đơn vị có phát hiện vi phạm trong hoạt động tư pháp nhưng do nể nang nên chưa kiên quyết ban hành kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục. Lãnh đạo một số đơn vị chưa thực sự chủ động sâu sát trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành dẫn đến chưa đề ra kịp thời các phương pháp đổi mới, sáng tạo trong công tác nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành.
Khắc phục những hạn chế tồn tại, năm 2023, VKSND hai cấp tỉnh Thanh Hóa, tiếp tục quán triệt, học tập triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp, cải cách tư pháp. VKSND hai cấp bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Tố quốc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Chỉ đạo VKSND hai cấp tăng cường, phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đề ra các giải pháp cụ thể đế thực hiện đạt và vượt sâu các chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội, của ngành đề ra, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công tác kiểm sát. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ cương, kỷ luật nghiệp vụ và đạo đức công vụ. Tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, chỉ đạo điều hành. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho Kiểm sát viên, công chức ngành Kiểm sát Nhân dân; tăng cường điều động, chuyển đổi vị trí công tác, biệt phái Kiểm sát viên, công chức ở các đơn vị để rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm qua thực tiễn thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
Tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 VKSND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục tăng cường giám sát, rà soát, phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, vi phạm trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tăng cường giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; công tác thi hành án dân sự đối với những vụ việc có giá trị phải thi hành lớn, tính chất, mức độ phức tạp; vụ việc liên quan đến tài sản bảo đảm, các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng...
Có cơ chế phát huy hiệu quả vai trò giám sát của Nhân dân, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác tài sản bất minh và sai phạm trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Tiếp tục tăng cường giám sát hoạt động công tác của các cơ quan tư pháp nói chung và VKSND nói riêng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đấy kinh tế - xã hội phát triển. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có Viện kiểm sát Nhân dân hai cấp để phục vụ tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành và nhiệm vụ chính trị tại địa phương.