Ảnh: Báo Phú Thọ
Cho đến nay, trên phạm vi địa vực hành chính tỉnh Phú Thọ, với 13 huyện, thị xã, thành phố, bao gồm 275 xã, gần 1.500 làng, thôn, khu dân cư, đã và đang hiện tồn? hàng loạt các hệ thống sinh hoạt/thực hành tín ngưỡng văn hóa, vốn được cộng đồng dân chúng sáng tạo và trao truyền thực hành từ nhiều trăm năm qua.
Theo tư liệu hồi cố từ các bậc cao niên tại hầu hết các làng/thôn, từ năm 1945 trở về trước, cơ sở vật chất phục vụ cho việc thờ phụng các Vua Hùng nói riêng, các nhân vật được thờ phụng khác nói chung trên đất Phú Thọ, đã được tạo dựng qua 2 giai đoạn. Từ thế kỷ X trở về trước, hầu hết các nơi thờ tự (đình, đền, miếu) gần như được tạo lập bằng tranh tre, nứa lá, một số nơi xây dựng bằng nhà sàn để tránh thú dữ và mưa lũ. Kể từ triều Lý trở đi, nhất là dưới triều đại nhà Lê (thế kỷ XV), dưới sự cho phép của chính quyền hàng tổng và triều đình, cộng đồng người dân Phú Thọ (cũng như hầu khắp các địa phương khác trên cả nước) đã huy động cộng đồng xây dựng nơi thờ tự (cả về mặt khuôn dạng kiến trúc lẫn bài trí nội thất) ở các làng một cách hoành tráng, bề thế, đi kèm với nó là các kỳ lễ hội náo nhiệt, trang trọng, linh thiêng. Bên cạnh việc quan tâm đến các di tích thông qua các sắc phong, chiếu dụ, nhà nước phong kiến quân chủ còn chủ trương cho phép các làng quê đầu tư trùng tu, tu sửa hoặc tôn tạo các cơ sở vật chất phục vụ tín ngưỡng tâm linh và coi đó như một thứ công cụ vô hình, góp phần hỗ trợ cho thiết chế và bộ máy cai trị của chính quyền các cấp.
Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến những thập niên cuối thế kỷ XX, do nhiều nguyên nhân và hoàn cảnh lịch sử khác nhau, hầu hết các di tích vật chất phục vụ cho sinh hoạt tín ngưỡng bị hủy hoại, hàng loạt lễ hội dân gian ở các làng quê bị cấm đoán. Thực trạng lịch sử đó qua gần nửa thế kỷ đã gây ra những tổn thất về văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể sâu nặng cho cộng đồng. Hàng loạt di sản văn hóa quý báu của ông cha bị mất mát, tàn phá, lãng quên. Chính vì vậy, sự trao truyền văn hóa truyền thống giữa thế hệ trước với thế hệ sau bị đứt quãng, có tác động về nhiều mặt đối với đời sống văn hóa xã hội. Sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa phụng thờ Hùng Vương ở Phú Thọ nằm trong thực trạng xã hội điển hình đó.
Từ cuối những năm 80, đặc biệt là từ 1995 trở đi của thế kỷ XX, cùng với những bước đổi mới về kinh tế, đời sống văn hóa xã hội cũng bước sang thời kỳ phục hưng mạnh mẽ nhờ những chuyển biến về đường lối, quan điểm chỉ đạo và các thiết chế văn hóa xã hội. Bên cạnh việc phục dựng các di tích văn hóa truyền thống theo cơ chế xã hội hóa, hàng loạt làng quê sôi nổi phục dựng lễ hội, tạo ra môi trường sinh hoạt văn hóa sôi động, khởi sắc. Tại 12 huyện, thị có các làng quê sinh hoạt tín ngưỡng gắn với việc thờ phụng Hùng Vương ở Phú Thọ, có khoảng 50% số di tích được phục dựng, 10% di tích được tu bổ, 20% di tích đã xuống cấp, có nguy cơ trở thành phế tích và 20% di tích đã hoàn toàn trở thành phế tích hoặc biến dạng.
Trong khoảng trên dưới chục năm trở lại đây, một số địa phương đã tổ chức phục dựng sinh hoạt lễ hội trong các kỳ sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thờ Hùng Vương, giúp cho các thế hệ nhận thức sâu sắc thêm các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc buổi đầu dựng nước, đặc biệt là thế hệ trẻ, tác động tích cực cho mối quan hệ giáo dục giữa nhà trường và xã hội trong hoàn cảnh đương đại và nâng cao ý thức bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa các di tích lịch sử - văn hóa truyền thống ở từng địa phương.
Năm 2010, sau khi Thủ tướng Chính phủ ra văn bản đồng ý cho UBND tỉnh Phú Thọ và Bộ VH,TT&DL triển khai xây dựng hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, trình UNESCO xét duyệt vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và đặc biệt là từ khi “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO xét duyệt chính thức vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2012), ý thức về di sản của cộng đồng người dân Phú Thọ đã nâng cao rõ rệt. Hầu khắp các làng quê có di tích gắn với tín ngưỡng thờ phụng các nhân vật thuộc thời đại Hùng Vương đã thực sự quan tâm đến việc thực hành di sản tại địa phương mình.
Cũng từ năm 2010 trở lại đây, được sự hỗ trợ của Nhà nước, lãnh đạo các cấp của tỉnh Phú Thọ đã tập trung đầu tư, nâng cấp, mở rộng Khu Di tích lịch sử Đền Hùng để xứng tầm với Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia cấp đặc biệt. Cũng vì thế, hàng năm, mọi chuẩn bị cho lễ hội, các hình thức thực hành tín ngưỡng tâm linh đều tập trung về không gian thiêng Nghĩa Lĩnh. Nhiều địa phương thuộc các huyện Lâm Thao, Cẩm Khê, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Phù Ninh và thành phố Việt Trì trước ngày Giỗ Tổ hàng tháng, chuẩn bị nhân lực (đội tế lễ, đội diễn xướng, đội tham gia hội chợ,…), vật lực (kiệu, đồ tế lễ, bánh trái,…) để tập kết về khu vực Đền Hùng, phục vụ nghi lễ trọng đại cấp quốc gia. Hàng năm, một số tỉnh thành đăng ký trực tiếp cùng chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ đứng ra tổ chức lễ hội. Chính vì thế, ngày Giỗ Tổ Vua Hùng đã trở thành Quốc lễ, vượt ra ngoài phạm vi hành chính tỉnh Phú Thọ, đồng thời trở thành thời điểm châu tuần hàng triệu con cháu từ mọi miền Tổ quốc, từ các quốc gia khác nhau trên thế giới tìm về cội nguồn, chung vui tri ân tổ tiên và các Vua Hùng, khắc đậm thêm cho truyền thống và đạo lý của người Việt Nam sống theo tâm thức “uống nước nhớ nguồn”, góp phần khẳng định giá trị văn hóa và bản sắc văn hóa của các dân tộc trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam.
Như vậy, nhìn lại tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng thời cũng là những nghìn năm của tiến trình sáng tạo, thực hành tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng, có thể thấy rõ bước đường lan tỏa, lưu truyền một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang đậm bản sắc văn hóa Việt, với sức sống ngày một mãnh liệt, xoáy tụ từ vùng đất thiêng Nghĩa Lĩnh - Việt Trì, Phú Thọ, tỏa ra nhiều làng quê châu thổ Bắc Bộ, lan tỏa dọc theo vùng đất cách mạng Trung Bộ và nhiều làng quê Nam Bộ, thậm chí lan sang một số nước trên thế giới, nơi có con cháu Vua Hùng đã và đang cư trú, làm ăn, sinh sống.
Năm 2010-2011, tác giả bài báo này đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm dự án kiểm kê khoa học di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn của tỉnh Phú Thọ, phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng Hồ sơ trình UNESCO, đã xác định toàn tỉnh Phú Thọ hiện đã và đang có 181 di tích thờ cúng Hùng Vương, trong đó 46 di tích thờ cúng Hùng Vương với danh xưng trực tiếp, 108 di tích thờ cúng Hùng Vương dưới các danh xưng do các vương triều phong kiến phong tặng. Từ vùng trung tâm là tỉnh Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và đang lan tỏa ra mọi miền đất nước. Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch), vào năm 2005, trên địa bàn cả nước Việt Nam có 1.471 địa điểm có di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời Hùng Vương.
Nhìn ra các nước trên thế giới, nơi có con em người Việt nhiều thế hệ đã và đang cư trú, làm ăn sinh sống, có thể thấy rằng, hầu như mọi gia đình đều thiết lập ban thờ Tổ tiên, hướng về cội nguồn dân tộc, thể hiện tấm lòng của người xa quê đối với quê hương đất nước. Hàng nghìn đoàn du lịch từ nước ngoài đã được tổ chức cho con em người Việt xa xứ hành hương về đất thiêng Nghĩa Lĩnh ngày Giỗ Tổ hàng năm. Tại một số nước, Hội người Việt Nam sở tại đã bằng những cách thức khác nhau tổ chức xây dựng những đền, chùa, trong đó có nơi dành cho thờ cúng các Vua Hùng, đáp ứng nhu cầu thực hành tín ngưỡng tôn giáo của người dân, như Liên bang Nga, Liên bang Hoa Kỳ, Ba Lan, Đức…
Như vậy là, từ vùng đất cội nguồn của Phú Thọ với dấu thiêng Nghĩa Lĩnh - Việt Trì, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được sáng tạo, trao truyền, gìn giữ và phát huy, lan tỏa mở rộng trên phạm vi cả nước cũng như đã và đang được chuyển hóa xuyên biên giới lan tỏa đến cộng đồng người Việt ở nhiều nước trên thế giới. Với các giá trị đặc sắc của nó, được cộng đồng nuôi dưỡng qua nhiều nghìn năm, được chế độ mới đáp ứng nhiều thiết chế văn hóa phù hợp, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được UNESCO xét duyệt và vinh danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2012). Tròn chục năm đã trôi qua, nhìn lại hành trình bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong điều kiện xã hội đương đại, chính quyền cùng nhân dân tỉnh Phú Thọ nói riêng và cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam nói chung đã và đang hoàn thành xuất sắc 10 nhiệm vụ trong Chương trình hành động quốc gia nhằm bảo tồn, phát huy giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương do Thủ tướng Chính phủ ký cam kết với UNESCO khi trình hồ sơ (năm 2011). Đó là những “bệ đỡ” vững bền góp phần giúp cho tín ngưỡng thờ cùng Hùng Vương luôn có được sức sống mãnh liệt, xứng danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại!
GS.TS. Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam