Đồng chí Đặng Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển HTX - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu khai mạc.
Đồng chí Đặng Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục phát triển HTX - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; GS. TS. Nguyễn Văn Đệ, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty CP Hợp Lực, đồng chủ trì buổi tọa đàm.
Tham gia tọa đàm có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ngành liên quan, Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Đặng Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển HTX cho biết, sau hơn 10 năm thi hành, Luật HTX năm 2012 đã tạo các khung khổ pháp lý cơ bản vững chắc tác động tích cực tới phát triển kinh tế tập thể, HTX trên nhiều mặt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật HTX năm 2012 còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn, góp phần luật hóa chủ trương của Đảng. Do đó, các ý kiến phát biểu tại tọa đàm sẽ được Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, làm cơ sở để bổ sung, sửa đổi luật.
GS. TS. Nguyễn Văn Đệ phát biểu tại buổi tọa đàm.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, GS. TS. Nguyễn Văn Đệ khẳng định, kể từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, hoạt động của HTX kiểu mới đã mang lại nhiều lợi ích cho thành viên; khu vực kinh tế tập thể của tỉnh đã phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Vai trò, vị trí của HTX trong nền kinh tế ngày càng được củng cố và khẳng định, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. GS. TS. Nguyễn Văn Đệ nhấn mạnh, qua buổi tọa đàm là cơ hội để các sở, ngành, tổ chức trên địa bàn tỉnh tham gia đóng góp ý kiến có chất lượng vào Dự thảo Luật HTX sửa đổi lần này.
Trưởng phòng Chính sách Cục Phát triển HTX - Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Xuân Quỳnh thông tin những nội dung cơ bản của Luật HTX sửa đổi.
Mục tiêu xây dựng dự án Luật HTX sửa đổi nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, phát triển thành viên; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của HTX; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Dự thảo Luật HTX sửa đổi gồm 12 chương, 111 điều, cụ thể hóa 5 nhóm chính sách: Nhóm chính sách về hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên HTX; nhóm chính sách về mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế tập thể, tổ chức đại diện; nhóm chính sách về mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển; nhóm chính sách về hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành hợp tác; nhóm chính sách về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Tuấn, phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm.
Đại biểu đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến tại buổi tọa đàm.
Sau khi nghe dự thảo Luật HTX sửa đổi, các ý kiến tham gia đóng góp về một số nội dung trong Dự thảo Luật HTX sửa đổi như: Tên gọi của Luật; bổ sung quy định về phân loại tổ chức kinh tế hợp tác; đăng ký thành lập tổ chức kinh tế hợp tác; thành viên tổ chức; Liên đoàn HTX; Tổ hợp tác; tổ chức đại diện của các tổ chức kinh tế hợp tác; chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với tổ chức; các quy định về phân loại, về quyền, nghĩa vụ của các tổ chức kinh tế hợp tác; về quản lý Nhà nước đối với tổ chức kinh tế hợp tác; việc thiết kế các tiêu chí lựa chọn, chính sách hỗ trợ như thế nào để các tổ chức kinh tế hợp tác có thể dễ dàng tiếp cận chính sách, nhưng lại không tạo ra các kẽ hở cho việc trục lợi chính sách; sửa đổi một số quy định tại Điều 4, Điều 8, Điều 19, Điều 29, Điều 46, Điều 50, Điều 58, Điều 71…
Phó Cục trưởng Cục Phát triển HTX - Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Văn Thanh, kết luận buổi tọa đàm.
Phát biểu kết luận tọa đàm, đồng chí Đặng Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển HTX đánh giá cao các ý kiến tham gia góp ý của các đại biểu, đồng thời cho rằng buổi tọa đàm là chương trình có ý nghĩa khi Ban soạn thảo được nghe trực tiếp khó khăn vướng mắc tồn tại trong thực tế từ các HTX. Qua đó Ban soạn thảo sẽ có những điều chỉnh phù hợp hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý thực tiễn, tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, HTX trong điều kiện hội nhập.