Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Thanh Hóa tham quan hoạt động SXKD tại Nhà máy May xuất khẩu Sơn Hà - Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa. Ảnh: P.V
Nhắc đến con đường vươn tới thành công của CCB, doanh nhân Trịnh Xuân Lâm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn (sau đây viết tắt là Tập đoàn Tiên Sơn), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Thanh Hóa, nhiều người thường ví von, ấy là hành trình tỏa sáng của năng lực, phẩm chất người lính Cụ Hồ giữa thời bình. Trở thành một chủ tập đoàn may công nghiệp xuất khẩu tiêu biểu của cả tỉnh đâu phải là chuyện nhiều người có thể làm được.
Đến nay, Tập đoàn Tiên Sơn đang có 13 nhà máy may xuất khẩu, tạo việc làm cho hơn 10 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân từ 10 - 12 triệu đồng/người/tháng, các chế độ, quyền lợi cho người lao động được đảm bảo. Doanh thu những năm gần đây lần lượt là: hơn 473 tỷ đồng (năm 2021), hơn 961 tỷ (năm 2022), đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng... Hiện nay, sản phẩm của tập đoàn được xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu như: Mỹ (chiếm khoảng 70%), thị trường EU (khoảng 25%), các thị trường khác (khoảng 5%). Đặc biệt tháng 3-2021, Tập đoàn Tiên Sơn là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh, mã chứng khoán là AAT với vốn điều lệ hiện tại trên 700 tỷ đồng. Tập đoàn đang từng bước phát triển theo hướng đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, kinh doanh (SXKD), hoạt động trên nhiều lĩnh vực như: may công nghiệp xuất khẩu, kinh doanh bất động sản công nghiệp, kinh doanh nông sản, dịch vụ du lịch sinh thái... Bản lĩnh của “người thuyền trưởng” - CCB Trịnh Xuân Lâm sẵn sàng đương đầu với “sóng to, biển cả”, kiên định mục tiêu phát triển Tập đoàn Tiên Sơn. Tập đoàn đã có kế hoạch đầu tư xây dựng thêm 2 nhà máy may xuất khẩu, đầu tư 1 - 2 cụm công nghiệp, mục tiêu đến năm 2030 đưa vốn hóa lên 3 nghìn tỷ đồng...
Ai đã từng trải qua đời lính sẽ mãi chẳng thể nào quên năm tháng khốc liệt sống và chiến đấu giữa làn “mưa bom, bão đạn”, những lần đứng bên lằn ranh sinh tử. Có lẽ vì thế mà khi số phận cho mình “đặc ân”, may mắn quá lớn là được sống và trở về, CCB - doanh nhân Nguyễn Duy Nở, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Thanh Hóa vẫn luôn canh cánh trong lòng tâm niệm phải gắng sức vươn lên.
Cũng như bao người CCB khác, ông Nở bắt đầu lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, con số 0 tròn trĩnh. Chấp nhận thử thách, không ngại khó ngại khổ, ông Nở cùng gia đình lao vào làm kinh tế, thử sức trên nhiều lĩnh vực: phát triển chăn nuôi, xây lò nung vôi, khai thác cát, sản xuất vật liệu xây dựng... Sau nhiều ngã rẽ, ông Nở điềm tĩnh nhìn nhận, đánh giá lại thị trường, nuôi ý chí “phải làm điều gì đó lớn lao hơn”, “sống cho thật xứng đáng, sống để cống hiến, trả ơn và sống thay phần đồng đội đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng”. Năm 2002 là bước ngoặt lớn trong cuộc đời CCB Nguyễn Duy Nở khi mạnh dạn dốc cạn vốn liếng thành lập Công ty TNHH Hoàng Tuấn, chính thức bước vào “trận tuyến” mới không kém phần cam go, khốc liệt.
Hồi tưởng lại năm tháng lăn lộn tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại chiến trường Tây Nguyên và những nơi cuộc chiến diễn ra ác liệt như: Bù Đăng, Bù Đốp, Lộc Ninh, Tây Ninh..., ông Nở không nói nhiều về những thiếu khó, mất mát, hy sinh. Giữa thời bình, trên cương vị là “thuyền trưởng” chèo lái một doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, dân dụng, sản xuất vật liệu xây dựng... với gần 350 cán bộ, nhân viên, tất cả hồi ức, kỷ niệm ấy đã chuyển hóa thành quyết tâm, động lực phấn đấu, hướng tới sự phát triển.
Không chỉ có doanh nhân - CCB Trịnh Xuân Lâm, doanh nhân - CCB Nguyễn Duy Nở, Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Thanh Hóa tựa như “mái nhà chung” của hơn 400 hội viên là chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Mỗi hội viên của hiệp hội mang trong mình một câu chuyện, một con đường phấn đấu riêng nhưng cùng chung nhau câu hát quân hành, tình đồng chí - đồng đội sáng ngời, chung một ý chí, lòng quyết tâm “phát huy phẩm chất truyền thống bộ đội Cụ Hồ, đoàn kết - kỷ cương - nghĩa tình - hợp tác cùng phát triển, xây dựng hiệp hội vững mạnh”. Các ông Trịnh Xuân Lâm, Nguyễn Duy Nở và nhiều doanh nhân CCB chia sẻ: “Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Thanh Hóa mang màu sắc lính rất riêng. Đây là nơi mà những anh em CCB đã từng vào sinh ra tử trong chiến đấu, gửi lại một phần thanh xuân của mình nơi chiến trường tề tựu bên nhau giữa thời bình, cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, đất nước”. Những khó khăn, thử thách trên thương trường như “lửa thử vàng”, làm tỏa sáng hơn tinh thần tự lực, tự cường, năng động sáng tạo, vượt khó của những doanh nhân CCB xứ Thanh.
Ông Nguyễn Duy Nở (người thứ 5 từ trái sang), Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn giới thiệu với Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Thanh Hóa về hoạt động SXKD tại doanh nghiệp.
Nhiệm kỳ 2018-2023, các doanh nhân CCB đã năng động, sáng tạo, linh hoạt thích ứng, thực hiện tốt phương châm “3 giữ, 1 chống, 1 tìm” (giữ được lao động, giữ được thị trường, giữ được dòng tiền; chống dịch thành công và tìm kiếm thị trường mới) để duy trì, đẩy mạnh hoạt động SXKD. Tổng doanh thu của các doanh nhân CCB trong toàn hiệp hội ước đạt 78.822 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước hơn 816 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 42.600 lao động, tăng 5.100 lao động so với giai đoạn trước. Mức lương của người lao động dao động từ 6,5 - 10 triệu đồng/người/tháng...
Trong phong trào SXKD đã xuất hiện nhiều gương tập thể, cá nhân điển hình có tổng doanh thu từ hàng chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, góp phần ổn định kinh tế - xã hội trong tỉnh như: Hội Doanh nhân CCB thị xã Nghi Sơn và các huyện Hoằng Hóa, Yên Định, Ngọc Lặc, Triệu Sơn... Trước thực tiễn rất nhiều doanh nghiệp trên cả nước phá sản, hoạt động cầm chừng, “chết lâm sàng”... thì kết quả hoạt động SXKD của hiệp hội đã phần nào cho thấy năng lực, bản lĩnh của những doanh nhân CCB xứ Thanh trong cuộc chiến đầy cam go, quyết liệt, lắm chông gai, nhiều thử thách này.
Kế thừa, phát huy truyền thống quý báu của dân tộc - “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”, xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, hiệp hội đặc biệt chú trọng, quan tâm, dành nguồn lực lớn cho các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội. Đó không chỉ là trách nhiệm mà thể hiện tấm lòng, phẩm chất cao đẹp của người CCB giữa thời bình.
Từ năm 2018 đến nay, hiệp hội đã tích cực tham gia, hưởng ứng nhiều chương trình, hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội lớn như: quyên góp tiền và vật chất ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương, tổng số tiền là 21,5 tỷ đồng; Tập đoàn Tiên Sơn đã trao tặng các suất quà với tổng trị giá 50 triệu đồng cho 11 đảo thuộc quần đảo Trường Sa và tài trợ, ủng hộ cơ sở vật chất cho bộ đội Trường Sa trị giá 1 tỷ đồng hưởng ứng chương trình “Hướng về biển đảo Tổ quốc thân yêu - Trường Sa năm 2022”; vận động, quyên góp được 9,6 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt ở các địa phương...
Đời lính luôn khắc sâu trong tim nghĩa tình đồng đội. Trong thời chiến, tình cảm ấy là “súng bên súng, đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ”; giữa thời bình họ động viên nhau phát triển kinh tế, quan tâm, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho thân nhân gia đình CCB vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất do mình làm chủ, nhận đỡ đầu các em nhỏ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn; phụng dưỡng suốt đời các bà mẹ Việt Nam anh hùng... Nhiệm kỳ 2018-2023, hiệp hội đã xây dựng được 35 ngôi nhà tình nghĩa và đóng góp 27,6 tỷ đồng tặng các CCB nghèo, CCB bị nhiễm chất độc da cam, các chương trình xã hội từ thiện.
Bối cảnh kinh tế, thị trường còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nhân CCB tỉnh Thanh Hóa nói riêng phải nêu cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, kỷ cương, nghĩa tình, hợp tác cùng phát triển... Hoạt động của hiệp hội nhiệm kỳ 2023-2028 tập trung vào 4 nhiệm vụ lớn. Việc tiếp tục duy trì ổn định, phát triển, tăng năng suất, hiệu quả các hoạt động SXKD, dịch vụ; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu. Cùng với đó, hiệp hội tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tích cực hưởng ứng, tham gia và thực hiện có hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động ủng hộ công tác từ thiện xã hội, đền ơn đáp nghĩa; tiếp tục triển khai thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Hội CCB tỉnh Thanh Hóa và Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Thanh Hóa...
Hoàng Linh