Quang cảnh hội nghị.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các chỉ tiêu lâm nghiệp năm 2023 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, tỷ lệ che phủ rừng đạt 53,65%; tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực lâm nghiệp đạt 100% kế hoạch; giá trị sản xuất ước đạt 2.237 tỷ đồng; diện tích rừng trồng tập trung, bảo vệ rừng, chăm sóc rừng đạt 100,25% kế hoạch; khai thác gỗ 940.000 m3;khai thác tre luồng 62,16 triệu cây; khai thác nguyên liệu giấy ngoài gỗ 82.400 tấn, đạt 100% kế hoạch.
Công tác quản lý rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) được quan tâm. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương rà soát, bổ sung, thực hiện tốt phương án PCCCR, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, dụng cụ, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng.
Công tác bảo vệ rừng, đấu tranh chống buôn lậu lâm sản được tăng cường, vì vậy an ninh rừng trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, không có tụ điểm, điểm nóng về khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giấu lâm sản trái pháp luật; các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp được kiểm soát và xử lý triệt để.
Số vụ vi phạm an ninh rừng tận gốc; khối lượng lâm sản và diện tích thiệt hại từ rừng tự nhiên giảm sâu (trên 10%) so với năm 2022. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn lực lượng phát hiện, xử lý 211 vụ vi phạm hành chính; khởi tố 2 vụ án hình sự, xử phạt, nộp và ngân sách Nhà nước trên 2 tỷ 884 triệu đồng, góp phần bảo vệ rừng theo hướng bền vững.
Trong năm 2023, toàn tỉnh trồng được 10.025 ha rừng tập trung; chăm sóc 42.000 ha rừng, bảo vệ 600.836 ha; ổn định 56.000 ha vùng nguyên liệu.
Đại biểu thảo luận tại hội nghị.
UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp thu hút đầu tư đối với các dự án sản xuất, chế biến lâm sản áp dụng công nghệ cao, công nghệ xử thải hiện đại, đảm bảo an toàn các vấn đề về môi trường. Đến nay, đã thu hút được 58 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, chế biến có liên quan đến nguồn nguyên liệu là tre, nứa, luồng, trong đó có 7 cơ sở chế biến sâu; 178 doanh nghiệp có hoạt động chế biến gỗ, trong đó có 15 nhà máy chế biến tinh có quy mô lớn, xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp được giám sát chặt chẽ, không xảy ra tình trạng sử dụng giống không rõ nguồn gốc đưa vào trồng rừng. Công tác cấp chứng chỉ quản lý bền vững rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC được đẩy mạnh. Đến nay, trên địa bàn đã hình thành 7 chuỗi liên kết giữa chủ rừng (hộ gia đình, nhóm hộ) với các nhà máy chế biến; đã có 28.492 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, với sự liên kết của 4.670 hộ.
Công tác bảo tồn thiên nhiên, nghiên cứu, ứng dụng khoa học tiếp tục được đẩy mạnh. Các đơn vị cơ sở đã đấu mối với các sở, ngành, đơn vị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai 32 nhiệm vụ, đề tài, dự án từ các nguồn sự nghiệp kinh tế, khoa học và các chương trình vốn khác. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát triển các loài động thực vật, nhất là các loài nguy cấp, quý hiếm.
Đại biểu chia sẻ kinh nghiệm trong thực thi Luật Lâm nghiệp.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm, thuận lợi, khó khăn trong việc thực thi Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.