TP Thanh Hóa hôm nay.
Cùng với cả tỉnh, TP Thanh Hóa bước vào thực hiện NQĐH trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát kéo dài. Trong thời điểm đầy khó khăn, thách thức ấy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố đã dự báo, đánh giá sát đúng tình hình dịch bệnh, đề ra các giải pháp cụ thể, linh hoạt, có tính khả thi cao. Đặc biệt, nhiều giải pháp được thành phố chủ động thực hiện với tinh thần “đi trước đón đầu” đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, thành phố nhanh chóng thực hiện các biện pháp phục hồi nền kinh tế, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về phục hồi kinh tế nhanh nhất tỉnh. Nhờ đó, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện NQĐH, thành phố có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Các lĩnh vực sản xuất đều có bước phát triển, trong đó lĩnh vực thương mại, dịch vụ phục hồi nhanh ở tất cả các ngành và trở thành động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa có nhiều khởi sắc. Thành phố có hơn 80 mặt hàng xuất khẩu, trong đó sản phẩm giày da, may mặc, nông sản, thủy sản... là điểm sáng nhất và cũng là nhóm hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng giá trị xuất khẩu của thành phố. Các hoạt động thương mại diễn ra sôi động. Thành phố đã triển khai chương trình phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025 và hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP của thành phố lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 93.867 tỷ đồng, bằng 52,15% kế hoạch cả nhiệm kỳ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 9.710,8 tỷ đồng, đạt 122% dự toán tỉnh giao và 105% dự toán thành phố giao. Doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô, cơ cấu ngành nghề hoạt động. Giai đoạn 2021-2023, đã có 4.919 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn lên 8.800 doanh nghiệp, bằng 88% kế hoạch cả nhiệm kỳ. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của thành phố ước đạt 84,67 triệu đồng, cao hơn 14,67 triệu đồng so với năm 2020 và gấp 1,53 lần thu nhập bình quân chung của tỉnh.
Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được chú trọng. Trong nửa nhiệm kỳ, nhiều khu đô thị mới được hình thành, làm thay đổi diện mạo, tạo thêm điểm nhấn cho thành phố. Không chỉ tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội kết nối các vùng, miền, các cực tăng trưởng, thành phố còn được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù từ Nghị quyết 303/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh để đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm, tạo thêm động lực cho sự phát triển của thành phố. Đặc biệt, ngày 17-3-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 259/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 đã mở ra không gian, chỉ ra các động lực để thành phố phát triển trong tương lai. Mới qua nửa nhiệm kỳ, tỷ lệ đô thị hóa của thành phố đã đạt 98,5%, vượt 0,5% so với mục tiêu NQĐH (98%); tỷ lệ gia đình có nhà ở đạt tiêu chuẩn đạt 100%, hoàn thành NQĐH.
Song hành với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội đều có bước phát triển mới. Thành phố đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn như “Tuần văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An”, chương trình Countdown chào năm mới, lễ hội khinh khí cầu... thu hút đông đảo du khách và các tầng lớp Nhân dân tham gia. Giáo dục mũi nhọn nhiều năm xếp ở tốp đầu toàn tỉnh; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT luôn ở mức cao và dẫn đầu cả tỉnh. Thể thao thành tích cao duy trì vị trí tốp đầu của cả tỉnh. Thành phố có 88 phường, xã, cơ quan, đơn vị đạt tiêu chí kiểu mẫu, vượt 8,1% so với mục tiêu NQĐH; các chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với đồng bào sinh sống trên sông, các gia đình chính sách, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm. Chính trị ổn định, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
NQĐH Đảng bộ thành phố lần thứ XXI đã lựa chọn đúng nội dung, chương trình trọng tâm, khâu đột phá để ưu tiên nguồn lực thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và ban hành các chương trình trọng tâm, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã điều chỉnh, bổ sung nội dung một số chương trình cho phù hợp với thực tiễn để đạt hiệu quả cao nhất. Trong đó, chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với hoàn thiện hạ tầng đô thị được tách ra thành 2 chương trình, kế hoạch là: Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề giai đoạn 2022-2025 và Kế hoạch phát triển hạ tầng đô thị thành phố giai đoạn 2022-2025. Chương trình phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch và các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao được tách ra thành 2 chương trình gồm: Chương trình phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao giai đoạn 2021-2025 và Chương trình phát triển du lịch TP Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030. Các chương trình trọng tâm, khâu đột phá còn lại giữ nguyên theo NQĐH Đảng bộ thành phố lần thứ XXI.
Vượt khó thành công nhưng không thỏa mãn với những kết quả đạt được, bởi nhiều hạn chế, khuyết điểm vẫn tồn tại đòi hỏi thành phố phải nghiêm túc nhìn nhận, nỗ lực phấn đấu và hành động quyết liệt hơn nữa để khắc phục. Tại hội nghị sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện NQĐH Đảng bộ thành phố diễn ra vào cuối tháng 7-2023 vừa qua, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ: Kinh tế tăng trưởng nhưng chưa thực sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 10,69%, thấp hơn 4,61% so với NQĐH là 15,3%. Có 6 chỉ tiêu phải nỗ lực, phấn đấu cao mới có thể hoàn thành kế hoạch. Việc khắc phục những tồn tại, hạn chế kéo dài trong nhiều năm, nhất là trong triển khai các dự án, quản lý quy hoạch, đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng khu tái định cư, xử lý úng ngập, ô nhiễm môi trường... còn chậm, chưa hiệu quả. Nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng quá trình chuẩn bị thủ tục đầu tư, khởi công dự án rất chậm. Đặc biệt, vai trò trung tâm, động lực, đầu tàu, dẫn dắt và sức lan tỏa của một “trung tâm kinh tế lớn”, một “động lực kinh tế”, lôi kéo các địa phương lân cận chưa rõ nét.
Nửa nhiệm kỳ thực hiện NQĐH Đảng bộ thành phố lần thứ XXI là thực tiễn sinh động để tiếp tục khẳng định, bổ sung và làm sâu sắc thêm những bài học kinh nghiệm đã được đúc rút. Đó cũng là cơ sở quan trọng để thành phố tiếp tục vận dụng, phát huy trong lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời đưa ra những giải pháp mới để có thể hoàn thành cao nhất 31 chỉ tiêu đã đề ra, phấn đấu xây dựng TP Thanh Hóa đến năm 2025 trong nhóm đô thị trực thuộc tỉnh hàng đầu cả nước, đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại.
Bài và ảnh: Tố phương