• :
  • :

Triển khai hiệu quả nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2023

Triển khai hiệu quả nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2023

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành liên quan.

Triển khai hiệu quả nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2023

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Năm 2022, trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, thách thức, song ngành Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp đột phá, hiệu quả, hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ tài chính - NSNN. Bộ đã chủ động đề xuất ban hành kịp thời các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí... với tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn dự kiến khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Triển khai hiệu quả nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2023

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.

Đặc biệt, từ việc triển khai có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế kết hợp với tăng cường công tác quản lý thu đã tác động tích cực đến kết quả thu NSNN trong năm. Tính đến ngày 15-12-2022, thu NSNN đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% so dự toán. Trong đó, thu ngân sách Trung ương vượt 19,3% dự toán; thu ngân sách địa phương vượt 20,4% dự toán.

Cùng với kết quả thu NSNN, nhờ chủ động điều hành nên các nhiệm vụ chi NSNN trong năm 2022 cơ bản hành thành mục tiêu đề ra. Tính đến ngày 15-12-2022, chi NSNN ước đạt xấp xỉ 1.450 nghìn tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 72,4% dự toán, chi thường xuyên đạt 88,1% dự toán; đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện của đơn vị sử dụng ngân sách.

Kết quả thu, chi NSNN đã góp phần bảo đảm cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Ước năm 2022 bội chi ngân sách Nhà nước (bao gồm cả chương trình phục hồi kinh tế - xã hội) khoảng 4% GDP. Cũng trong năm 2022, Bộ Tài chính đã tập trung các giải pháp chống gian lận thương mại; giá cả và thị trường được điều hành linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Các thị trường tài chính tiếp tục được củng cố, tháo gỡ, xử ký kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch; kỷ cương, kỷ luật tài chính được tăng cường...

Triển khai hiệu quả nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2023

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá thêm về những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực nhiệm vụ tài chính - NSNN. Đồng thời đề xuất các giải pháp và thể hiện quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2023 với mục tiêu tổng quát là đẩy mạnh thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công, gắn với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, các mục tiêu Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, bảo đảm nguồn cho cải cách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội khi được thực hiện; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động khu vực sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết của Trung ương.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của ngành Tài chính về những kết quả đạt được trong 2022 trước bối cảnh nền kinh tế bị tác động bởi nhiều yếu tố, gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đồng thời phân tích, nêu rõ những bài học kinh nghiệm về tinh thần đoàn kết, kỷ cương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, địa phương; về việc nắm chắc tình hình, theo dõi sát, phân tích kỹ tình hình để có phản ứng chính sách nhanh, kịp thời; về sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác… để đạt được những kết quả quan trọng.

Về nhiệm vụ năm 2023, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, vì vậy Thủ tướng đề nghị ngành Tài chính quán triệt phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh và linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”. Thủ tướng nhấn mạnh: Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tài chính trong năm 2023 là rất nặng nề, do đó toàn ngành cần tập trung nghiên cứu, đưa ra các phương án, nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu bảo đảm an ninh tài chính tiền tệ quốc gia; tập trung ưu tiên cho kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối mới. Tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển, xây dựng cơ chế, chính sách, huy động các nguồn xã hội cho đầu tư phát triển; lấy đầu tư công dẫn dắn đầu tư; thực hiện chi tiêu phù hợp với tình hình, với chủ trương, đường lối của Đảng.

Thủ tướng đề nghị ngành Tài chính theo dõi, kiểm soát tốt giá cả thị trường; tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, thị trường; thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả, thị trường, nhất là trong các dịp lễ, tết, bảo đảm ổn định và nâng cao đời sống người dân. Cùng với đó, xây dựng chương trình chính sách tài khóa hiệu quả; chú trọng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong thực thi nhiệm vụ được giao; quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghệp phát triển, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để nuôi dưỡng nguồn thu; kiềm chế hiệu quả lạm phát, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng cũng đề nghị Ngành Tài chính tiếp tục tập trung rà soát hoàn thiện các thể chế, chính sách; quản lý thu, chi đúng, đủ, kịp thời; đẩy mạnh chống thất thu, trốn lậu thuế; phấn đấu tăng thu ngân thu NSNN, tổ chức điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm. Tiếp tục củng cố, phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp Nhà nước; tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy, tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quá trình quản lý Nhà nước, đồng thời chủ động hội nhập, hợp tác tài chính. Các bộ, ngành, địa phương tập trung làm tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết