Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá.
Xác định đổi mới hoạt động thư viện là yêu cầu cấp thiết hàng đầu để phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, hằng năm Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá dành một khoản kinh phí nhất định bổ sung các đầu sách với nhiều thể loại khác nhau. Hiện nay, nguồn tư liệu của thư viện nhà trường có khoảng hơn 20.000 đơn vị, nội dung và thể loại khá phong phú, đa dạng. Ngoài sách giáo trình, sách kinh điển, sách tham khảo, lịch sử, văn hoá - giáo dục, sách kỹ năng lãnh đạo, quản lý, báo, tạp chí, thư viện còn tập hợp, lưu giữ các khoá luận tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị, chuyên viên, chuyên viên chính, luận văn, luận án, kết quả nghiên cứu các đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp trường; báo cáo tổng kết năm, nhiệm kỳ, các văn kiện, nghị quyết, chương trình đại hội của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh... Đây là cơ sở dữ liệu thông tin lý luận, thực tiễn bổ ích phục vụ nhu cầu đọc, tìm hiểu, nghiên cứu của cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường.
Cùng với việc bổ sung nguồn tư liệu trong thư viện, nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu sách đến cán bộ, giảng viên, học viên với nhiều hình thức rất sáng tạo, phù hợp đem lại hiệu quả cao trong công tác phát triển văn hoá đọc. Ngoài việc, cán bộ thư viện viết các bài giới thiệu các sách mới rộng rãi đến bạn đọc đăng trên website, tạp san thông tin lý luận nhà trường, tạp chí thư viện. Nhà trường còn tổ chức chương trình giao lưu với bạn đọc với như giới thiệu sách đến từng lớp học, bằng hình thức trực quan sinh động, tạo hiệu ứng tích cực với văn hoá đọc.
Những năm gần đây, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, nhà trường đã đổi mới cả về nội dung, cách thức phục vụ của thư viện. Cụ thể, mô hình “Thư viên lưu động” đã được triển khai rộng khắp trong toàn trường. Thực hiện mô hình này, sách báo, tạp chí luôn chuyển đến các phòng ở, ký túc xá của giảng viên, học viên, trang bị 2 tủ sách tại phòng học. Thư viện nhà trường dành một gian để trưng bày và giới thiệu nhiều loại sách chuyên khảo, tham khảo, Tạp chí thông tín Lý luận và thực tiễn do nhà trường biên soạn. Hằng năm, thư viện gửi danh mục đầu sách mới nhập đến các khoa, phòng và cán bộ, giảng viên và học viên, tạo sự thuận tiện trong nghiên cứu, nắm bắt thông tin.
Ngoài ra, để nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc cho đội ngũ giảng viên và học viên, nhà trường đã tổ chức rất nhiều các hoạt động với nhiều hình thức như: mời các diễn giả về nói chuyện chuyên đề về sách và văn hoá đọc; tổ chức diễn đàn trao đổi về kinh nghiệm viết và biên soạn sách giữa các tác giả với học viên và nhà xuất bản; tổ chức toạ đàm về kỹ năng đọc sách; toạ đàm trao đổi về sách trong câu lạc bộ giảng viên trẻ của nhà trường; trưng bày giới thiệu và phát phim tư liệu, xếp sách nghệ thuật nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, nhà trường; tổ chức thi giới thiệu và xếp sách sách nghệ thuật giữa lớp trung cấp LLCT- HC, các lớp trung cấp LLCT tập trung tại trường... Các hoạt động trên tạo hiệu ứng tích cực, giúp cho đội ngũ giảng viên và học viên nhà trường nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc; kỹ năng tiếp nhận, sử dụng thông tin, trí thức, phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu và học tập.
Đặc biệt, nhân Ngày sách Việt Nam (21/4) hằng năm, nhà trường đã tổ chức, triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền sách tới đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên như: trưng bày, triển lãm, xếp sách nghệ thuật với quy mô lớn có sự tham gia, phối hợp với Thư viện tỉnh, các Nhà xuất bản Sự thật - Quốc gia, nhà xuất bản Thanh Hoá và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Qua hoạt động này đã góp phần xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống tinh thần của toàn thể cán bộ, giảng viên và học viên nhà trường.
Việc nhà trường được công nhận đạt chuẩn mức 1 (quý II, năm 2023), trong đó có một số tiêu chí được đánh giá cao, như kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của trường, với đã có nhiều đề tài thiết thực, được ứng dụng trong thực tiễn, nhất là ở cấp cơ sở, đem lại hiệu quả thiết thực, một phần chính là thành quả của quá trình phát triển văn hoá đọc trong nhà trường thời gian qua. Tuy nhiên, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển văn hoá đọc đến toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên, góp phần tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới xây dựng trường đạt chuẩn mức 2 trong thời gian tới, đòi hỏi nhà trường cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp.
Một là, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, giảng viên, học viên đối với việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường hiện nay. Để nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, học viên đối với việc phát triển văn hóa đọc cần phải đẩy mạnh việc trang bị các kiến thức, kỹ năng đọc, thể loại đọc... Ngoài ra, nhà trường cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền văn hóa đọc.
Hai là, cần có cơ chế, chính sách hợp lý để phát triển văn hoá trong nhà trường. Trước mắt, cần xây dựng chương trình phát triển văn hoá đọc theo từng giai đoạn, tạo cơ chế, chính sách hành lang pháp lý cho việc phối hợp giữa các khoa, phòng; xác định trách nhiệm của các chủ thể, tạo ra sự thống nhất đồng bộ trong tổ chức các hoạt động phát triển văn hoá đọc. Đồng thời, nhà trường cần xây dựng định hướng đọc, tổ chức các hoạt động, diễn đàn về sách để cán bộ, giảng viên, học viên trao đổi, cảm nhận, vận dụng những gì từ đọc sách vào giảng dạy, nghiên cứu và học tập.
Ba là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện. Xây dựng nguồn lực thông tin phong phú, đa dạng cả về số lượng, chất lượng sách, giáo trình, tài liệu tham khảo. Trong đó, tập trung bổ sung các loại tài liệu như: Kỹ năng lãnh đạo, quản lý, Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; các văn kiện của Đảng, nghị quyết của Trung ương và địa phương. Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu số, các bộ sưu tập phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học. Đầu tư phát triển nguồn học điện tử, số hoá toàn bộ nội dung tài liệu phục vụ tra cứu, tiếp tục trang bị, nâng cấp đường truyền kết nối Intenet nhằm tìm kiếm và khai thác thông tin phục vụ cho công tác học tập, giảng dạy và nghiên cứu cho cán bộ, giảng viên, học viên một cách hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, nhà trường cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thông tin tư liệu, tạo điều kiện thuận lợi để họ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, khuyến khích tham gia nghiên cứu khoa học phục vụ công tác chuyên môn, đóng góp các giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện và phát triển văn hoá đọc.
Bốn là, cần phải phát huy hơn nữa vai trò của Đoàn thanh niên nhà trường trong việc phát triển văn hóa đọc. Đoàn thanh niên nhà trường cần liên kết hoạt động với thư viện trong các buổi tuyên truyền, giới thiệu sách cũng như phổ biến thông tin đến với bạn đọc. Đối với thư viện, việc quảng bá hình ảnh cũng như giới thiệu sản phẩm và dịch vụ thông tin thư viện đóng vai trò quan trọng trong công tác tổ chức hoạt động của mình. Vì vậy, Đoàn thanh niên với hình thức hoạt động đa dạng và tích cực sẽ là nguồn nhân lực hữu ích trong công tác tổ chức hoạt động của thư viện.
Phát triển văn hoá đọc cho cán bộ, giảng viên, học viên trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá là một trong những nhiệm vụ quan trọng và yêu cầu cấp thiết hiện nay. Bởi, phát triển văn hoá đọc góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa, tổng kết thực tiễn. Qua đó, hoàn thành các tiêu chí về trường chính trị chuẩn, thực hiện thành công Kết luận số 729-KL/TU, ngày 14/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Xây dựng và Phát triển Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”./.
ThS. Lê Thị Hương
Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá