Thu hút khách du lịch là một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế - xã hội Thanh Hóa 6 tháng đầu năm 2023. (Ảnh minh họa)
Khép lại 6 tháng đầu năm 2023 với rất nhiều khó khăn, thử thách đặt ra, nhưng tỉnh Thanh Hóa vẫn trở thành một trong những điểm sáng về phát triển của cả nước. Cá biệt, có lĩnh vực địa phương khác giảm sâu, nhưng Thanh Hóa lại tăng mạnh.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm ước đạt 7,0%, đứng thứ 18 cả nước và cao nhất ở khu vực Bắc Trung bộ. Bức tranh tăng trưởng kinh tế được minh họa rõ nét bằng những con số thuyết phục như năng suất lúa đạt tới 67 tạ/ha, vượt 3 tạ/ha so với kế hoạch và đạt cao nhất từ trước đến nay. Một số sản phẩm đã tiếp cận được những thị trường khó tính trên thế giới mở ra cơ hội mới cho nông sản Thanh Hóa. Trong sản xuất công nghiệp đã cho ra đời thêm những sản phẩm mới đáp ứng một số quy chuẩn quốc tế. Hoạt động du lịch tăng 13% so với cùng kỳ, toàn tỉnh đón hơn 8,3 triệu lượt khách. Giải ngân vốn đầu tư công cao hơn bình quân chung cả nước. Thanh Hóa cũng là điểm sáng thu hút các dự án đầu tư trực tiếp. Các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh như PAPI, PAR INDEX, SIPAS trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Thông tin đáng chú ý nữa là, trong khi sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục giảm so với cùng kỳ, một số địa phương giảm sâu tới trên 10%, thì một số khu vực trong đó có Thanh Hóa lại có sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng mạnh. Mức tăng cụ thể như sau: Nha Trang tăng 23%, Thừa Thiên Huế tăng 18,7%, Thanh Hóa tăng 16%... Vận tải thông qua cảng biển có vai trò hết sức quan trọng, là động lực phát triển kinh tế biển nói riêng, kinh tế đất nước nói chung. Hàng hóa thông qua cảng biển Thanh Hóa tăng mạnh cũng có thể xem là một trong những cơ hội để tăng thu hút đầu tư vào tỉnh.
Những con số rất đáng khích lệ đã đưa kinh tế - xã hội Thanh Hóa trở thành điểm sáng của cả nước. Tuy nhiên, qua 6 tháng đầu năm cũng bộc lộ những vấn đề không nhỏ trong sản xuất và phát triển. Dù ở tốp cao của cả nước, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt thấp so với kế hoạch và so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn hạn chế. Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp truyền thống giảm mạnh. Nhiều vướng mắc về đất đai chậm được giải quyết… Điều đó cho thấy, bên cạnh các yếu tố khách quan tác động đến sự vận hành và phát triển của tỉnh, vẫn còn những hạn chế trong công tác lãnh đạo, điều hành. Nổi bật là công tác phân tích, dự báo và giải quyết khó khăn, vướng mắc ở một số ngành, lĩnh vực chưa kịp thời, hiệu quả. Năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một số sở, ngành còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Một bộ phận cán bộ, công chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý sở, ngành, UBND cấp huyện chưa chủ động, quyết liệt tham mưu, chỉ đạo, điều hành; có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, dẫn đến một số nhiệm vụ, công việc của tỉnh, của ngành, địa phương chậm tiến độ. Đáng nói, trong các nội dung tồn tại, hạn chế có những hạn chế, yếu kém đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ ra nhiều lần, đôn đốc, nhắc nhở nhiều nhưng vẫn chưa được tập trung khắc phục hiệu quả.
Mục tiêu năm 2023 tỉnh Thanh Hóa đặt ra là khá cao và trong lộ trình phát triển sắp tới, tỉnh Thanh Hóa đang phấn đấu vươn lên trở thành cực tăng trưởng mới. Trở thành một trong những điểm sáng trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn có thể xem là thành công của tỉnh, tuy nhiên để trở thành luồng sáng đòi hỏi phải nỗ lực hơn nữa, nhất là phải khắc phục bằng được các điểm nghẽn, khâu yếu đã được chỉ ra qua thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành trong 6 tháng đầu năm.