Toàn cảnh phiên họp.
Tham dự phiên họp có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ủy viên UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.
Các đại biểu dự phiên họp.
Tiếp tục đà tăng trưởng
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 do Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Trọng Trang trình bày tại phiên họp nêu rõ: Trong 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; song, dưới sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm ước đạt 7,0%. Trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,87%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,55%; dịch vụ tăng 8,1%.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Trọng Trang trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023.
Sản xuất nông nghiệp ổn định, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi, năng suất lúa vụ chiêm xuân ước đạt 67 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay, sản lượng thủy sản tăng 4,6% so với cùng kỳ. Trong lĩnh vực công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,49%, có 18/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng bằng hoặc tăng so với cùng kỳ...
Hoạt động thương mại nội địa tăng trưởng mạnh, nguồn cung hàng hóa dồi dào; giá các hàng hóa trên địa bàn tỉnh ổn định, không có hiện tượng găm hàng, sốt giá. Hoạt động du lịch duy trì đà phục hồi mạnh mẽ; nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch gắn với khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến năm 2023 được tổ chức, thu hút du khách đến với tỉnh. Qua thống kê, tổng lượng khách du lịch 6 tháng ước đạt 8.354 nghìn lượt, bằng 69,6% kế hoạch, tăng 13% so với cùng kỳ (trong đó khách quốc tế ước đạt 214,6 nghìn lượt, đạt 34,9% kế hoạch); tổng thu du lịch ước đạt 15.072 tỷ đồng, bằng 62,3% kế hoạch, tăng 16,7%.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa phát biểu tại phiên họp.
Hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư tiếp tục được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực, tổng vốn đầu tư thu hút tăng cao so với cùng kỳ. Tỉnh đã tổ chức thành công các sự kiện nhân Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại tỉnh Thanh Hóa, góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế của tỉnh Thanh Hóa, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tính đến ngày 19-6, trên địa bàn tỉnh có 1.287 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 42,9% kế hoạch, bằng 78,4% so với cùng kỳ, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và thứ 8 cả nước, vốn điều lệ đăng ký đạt 8.877 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân 6,9 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Cùng với các chỉ tiêu trong lĩnh vực kinh tế, chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống Nhân dân được cải thiện. Các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh đạt kết quả tích cực, trong đó: Chỉ số PAPI đứng thứ 3 cả nước, Chỉ số SIPAS đứng thứ 5, Chỉ số PAR INDEX đứng thứ 10; ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, quyết liệt, Thanh Hóa là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế phát triển.
Nhận diện những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh kết quả đạt đươc, báo cáo cũng chỉ rõ nhưng tồn tại, hạn chế trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường...
Cụ thể, trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện; Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 tỉnh Thanh Hóa còn rất chậm; chất lượng của nhiều đồ án quy hoạch xây dựng tuy đã được cải thiện nhưng còn hạn chế, nhất là quy hoạch xây dựng xã. Tình trạng xây dựng, cơi nới trái phép, lấn chiếm đất đai của các hộ gia đình, cá nhân riêng lẻ vẫn còn diễn ra, chưa được xử lý triệt để.
Đại diện lãnh đạo Cục Hải quan Thanh Hóa phát biểu tại phiên họp.
Tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp qua nhiều năm vẫn còn chậm và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng hạ tầng của các dự án thứ cấp. Tiến độ hoàn chỉnh thủ tục đầu tư các dự án đầu tư công khởi công mới còn rất chậm. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch…
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Mai Xuân Bình phát biểu tại phiên họp.
Trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là cát, sỏi lòng sông, đất san lấp vẫn chưa được giải quyết triệt để; tình trạng khai thác sai so với thiết kế, ngoài vị trí mốc giới vẫn còn diễn ra. Các dự án xử lý chất thải rắn đã được chấp thuận chủ trương triển khai chưa đảm bảo yêu cầu, việc kêu gọi các dự án đầu tư mới còn chậm...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Cường phát biểu tại phiên họp.
Qua báo cáo cũng như ý kiến thảo luận của đại biểu tại phiên họp, nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế được nhận diện đó là nhu cầu vốn để giải phóng mặt bằng, đầu tư các dự án hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn, trong khi năng lực của các nhà đầu tư còn hạn chế, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào tỉnh. Một số quy định giữa pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, nhà ở và kinh doanh bất động sản, đấu thầu, quản lý vốn của Nhà nước còn thiếu sự thống nhất, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Vũ Thị Hương phát biểu tại phiên họp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm phát biểu tại phiên họp.
Cùng với đó, công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa một số đơn vị chưa chặt chẽ; năng lực, trách nhiệm công tác và thái độ phục vụ của một số cán bộ, công chức còn chưa cao. Một số ngành, địa phương chưa quan tâm, sâu sát đối với nhiệm vụ quy hoạch; năng lực của một số đơn vị tư vấn lập quy hoạch còn yếu. Nhiều chủ đầu tư trách nhiệm chưa cao trong công tác chuẩn bị các thủ tục đầu tư, dẫn đến tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”; thiếu quyết liệt, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công...
Nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ được giao
Tại phiên họp các đại biểu cũng đã thảo luận làm rõ thêm những thuận lợi, khó khăn liên quan đến hoạt động thu ngân sách Nhà nước, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công tác đầu tư công, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia… Đồng thời đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu tại phiên họp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi phát biểu tại phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 và yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu tại phiên họp cập nhật, bổ sung nội dung hoàn thiện báo cáo theo yêu cầu; qua đó thể hiện được bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Trước những khó khăn, thách thức rất lớn, song kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Điều này cho thấy sự nỗ lực, vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự đoàn kết, nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra trong báo cáo với tinh thần cầu thị, thẳng thắn.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục giữ vững tinh thần đoàn kết, nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, nếu không có sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành khoa học, có trọng tâm, trọng điểm và quyết liệu thì hiệu quả mang lại sẽ không được như mong muốn.
Cùng với nhiệm vụ trên, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Về nhiệm vụ này, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, trách nhiệm thuộc sở, ngành, địa phương nào thì sở, ngành, địa phương đó phải chủ động tháo gỡ.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách Nhà nước; rà soát, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, khu vực thu, từng sắc thuế để có phương án chỉ đạo, điều hành kịp thời, bảo đảm thu đúng, thu đủ, không để lọt, sót các nguồn thu. Đề nghị Sở Xây dựng chỉ đạo, thực hiện quyết liệt việc công bố đơn giá nguyên, vật liệu xây dựng theo yêu cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cũng lưu ý và đề nghị các ngành chức năng quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ trong thời gian tới như, việc sắp xếp các đơn vị hành chính; kế hoạch bảo đảm cung cấp nguồn điện; việc khắc phục vi phạm, hạn chế sau thanh tra, kiểm tra; công tác kêu gọi, thu hút đầu tư; khởi công các dự án đầu tư... Đồng thời, làm tốt công tác định hướng thông tin dư luận xã hội, công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Báo Thanh Hóa điện tử tiếp tục cập nhật....