Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến vào Dự thảo Tờ trình về đề nghị ban hành Nghị quyết “Quy định mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non, giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa”.
Các đại biểu dự phiên họp.
Theo Dự thảo Tờ trình, mức đề xuất hỗ trợ đối với trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định là 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Dự kiến kinh phí hỗ trợ một năm học khoảng hơn 1,7 tỷ đồng, tương ứng với hơn 1.200 trẻ được hỗ trợ.
Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức trình bày Dự thảo Tờ trình về đề nghị ban hành Nghị quyết “Quy định mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non, giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa”.
Đối với giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định ở địa bàn có khu công nghiệp bảo đảm các điều kiện như: có trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non theo quy định; có hợp đồng lao động với người đại diện theo pháp luật của cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ/lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Dự kiến kinh phí hỗ trợ một năm học khoảng hơn 676 triệu đồng, tương ứng với 94 giáo viên được hỗ trợ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.
Trên cơ sở dự thảo cũng như ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn thống nhất chủ trương đề nghị ban hành Nghị quyết “Quy định mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non, giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa”; đồng thời yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo bổ sung nội dung hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục mầm non; sửa đổi tên nghị quyết theo hướng ngắn gọn, xúc tích và giao Văn phòng UBND tỉnh rà soát hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Sỹ Nghiêm báo cáo danh mục dự án phải thu hồi đất và danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh (đợt 4) năm 2022.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Mai Xuân Bình trình bày Dự thảo Tờ trình về việc đề nghị điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 302/NQ-HĐND, ngày 13-7-2022 của HĐND tỉnh về phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (đợt 2).
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa phát biểu tại phiên họp.
Phiên họp cũng đã thảo luận cho ý kiến vào Tờ trình về danh mục dự án phải thu hồi đất và danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh (đợt 4) năm 2022; Dự thảo Tờ trình về việc đề nghị quyết định điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 301/NQ-HĐND, ngày 13-7-2022 của HĐND tỉnh về phân bổ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Dự thảo Tờ trình về việc điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 302/NQ-HĐND, ngày 13-7-2022 của HĐND tỉnh về phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (đợt 2); Dự thảo Tờ trình về việc điều chỉnh phụ lục III tại Nghị quyết số 308/NQ-HĐND, ngày 27-8-2022 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 300/NQ-HĐND, ngày 13-7-2022 của HĐND tỉnh về việc phân bổ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương bổ sung cho ngân sách tỉnh Thanh Hóa để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và năm 2022.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm phát biểu tại phiên họp.
Cũng tại phiên họp các đại biểu đã tập trung thảo luận cho ý kiến vào Dự thảo Đề án “Phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Dự thảo Đề án “Phát triển thể dục - thể thao tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Dự thảo Đề án “Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2030”.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đỗ Hữu Quyết báo cáo Dự thảo Đề án “Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2030”.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đỗ Hữu Quyết, mục tiêu tổng quát của Đề án “Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2030” là xây dựng hệ thống thông tin cơ sở hiện đại, toàn diện theo hướng chuyển đổi số, số hóa nguồn thông tin cơ sở đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn thông tin tuyên truyền, phổ biến đến người dân và phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thông tin cơ sở theo hướng chủ động, kịp thời, chính xác, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Duy Tự báo cáo Dự thảo Đề án “Phát triển TDTT tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đối với Đề án “Phát triển TDTT tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Nguyễn Duy Tự nhấn mạnh: Mục tiêu hướng tới là phát triển các hoạt động TDTT cho mọi người đa dạng, rộng khắp các vùng miền, đối tượng nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực, tuổi thọ, mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân; tập trung đầu tư phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp nhằm giữ vững vị trí trong nhóm dẫn đầu của thể thao cả nước; tích cực tổ chức, đăng cai tổ chức các giải thể thao trong tỉnh, quốc gia, quốc tế hằng năm và Đại hội Thể thao toàn quốc vào năm 2030 hoặc 2034. Đồng thời, tăng cường xã hội hóa, gắn phát triển TDTT với phát triển văn hóa, du lịch, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, “tạo nền tảng để Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn về văn hóa, thể thao của khu vực và cả nước”…
Toàn cảnh phiên họp.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cơ bản thống nhất nội dung các đề án. Đối với Đề án “Phát triển TDTT tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - đơn vị chủ trì soạn thảo đề án tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu dự phiên họp cũng như gợi ý của Chủ tịch UBND tỉnh để hoàn thiện nội dung theo yêu cầu. Sau khi hoàn thiện đề án, giao Văn phòng UBND tỉnh thẩm định trình ký theo quy định.
Đối với Dự thảo Đề án “Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2030”, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cho ý kiến cụ thể vào một số nội dung liên quan đến việc thiết lập bảng thông tin điện tử công cộng; đầu tư trang thiết bị phương tiện thông tin lưu động; kinh phí thực hiện… và đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông bổ sung hoàn thiện nội dung theo yêu cầu; thống nhất giai đoạn thực hiện đề án là giai đoạn 2023-2030.
Về Dự thảo Đề án “Phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, bổ sung hoàn thiện nội dung đề án, Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến.