Hội LHPN tỉnh trao giống cây chanh leo cho tổ hợp tác trồng cây chanh leo do phụ nữ làm chủ xã Thanh Sơn (Như Xuân).
Đến xã Đông Hoàng (Đông Sơn), hẳn ai cũng phải thán phục ý chí quyết tâm của chị Lê Thị Lan, Phó Giám đốc HTX Dược liệu Đông Hoàng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đầu tư máy móc vào sản xuất cây trồng dược liệu khá mới. Cùng với nỗ lực của bản thân, chị Lan được sự định hướng, giúp đỡ của Hội LHPN huyện Đông Sơn để thành lập HTX vào năm 2019. Đến nay, ngoài 10 ha dược liệu trồng tại xã, HTX còn liên kết mở rộng 30 ha tại huyện Bá Thước, tạo việc làm cho nhiều lao động nữ. Doanh thu mỗi ha đạt 300 triệu đồng/năm. Đây là một trong số những mô hình kinh tế của phụ nữ Đông Sơn được các cấp hội chủ động, vận động nguồn hỗ trợ kích cầu cho hội viên mạnh dạn phát triển nghề hiệu quả.
Năm 2021, Hội LHPN huyện Như Thanh phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng mở lớp dạy nghề, phụ nữ xã Thanh Tân đã từng bước khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm. Từ chỗ chỉ còn vài người làm nghề phục vụ nhu cầu cá nhân, đến nay đã có 5 nhóm dệt với trên 30 thành viên tham gia. Chị Lô Thị Khăm, thôn Thành Vinh, xã Thanh Tân cho biết: “Chúng tôi làm theo nhu cầu của khách đặt hàng nên mẫu mã rất phong phú. Có nhiều khách hàng đưa mẫu hoa văn khác nhau, đòi hỏi chị em luôn phải học hỏi thêm để đáp ứng nhu cầu của khách”.
Chị Lương Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Tân, cho biết: “Sản phẩm của các nhóm đã bán sang tỉnh Nghệ An. Các thành viên mong muốn duy trì phát triển nghề nên hội đang xây dựng kế hoạch phát triển thành tổ hợp tác, HTX để tập hợp, thu hút hội viên cùng nhau sản xuất, tạo nguồn sản phẩm ổn định để mở rộng và phát triển nghề bền vững hơn”.
Xác định dạy nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập là một trong những điều kiện để phụ nữ nông thôn vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của lao động địa phương, hằng năm, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ngành, tranh thủ các nguồn kinh phí hỗ trợ để đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho chị em. Cùng với việc duy trì, khôi phục, phát triển nghề truyền thống, các cấp hội đã phối hợp với nhiều công ty, đơn vị du nhập và nhân cấy nghề mới. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã phối hợp đào tạo nghề cho khoảng 10 nghìn hội viên, phụ nữ. Sau học nghề, từ 80% trở lên học viên được giới thiệu việc làm, chủ động tạo việc làm có thu nhập ổn định và thành lập được các mô hình kinh tế tập thể, tạo việc làm cho nhiều hội viên khác. Điển hình như chị Lê Thị Hằng, xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa). Từ chỗ học nghề, làm nghề mây tre đan, chị đã thành lập doanh nghiệp và thu mua trên 5 nghìn sản phẩm thủ công mây tre đan các loại/ngày cho hàng trăm hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện. Tổ hợp tác sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xã Nga Hải (Nga Sơn) tạo việc làm cho 70 thành viên và hơn 300 lao động trên địa bàn và các xã lân cận. Tổ dệt thổ cẩm bản Poọng, xã Lâm Phú (Lang Chánh) tạo việc làm cho hàng chục chị em...
Chiếm hơn 50% tổng số lao động toàn tỉnh, lực lượng lao động nữ Thanh Hóa có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chị em, nhất là lao động lớn tuổi, lao động nông thôn miền núi, chưa qua đào tạo nghề nên khó tìm kiếm việc làm. Dó đó, Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh hỗ trợ hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, phát triển kinh tế tập thể; phối hợp với các đơn vị mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho phụ nữ khu vực nông thôn, hướng đến những ngành nghề chị em có thể làm tại nhà, tại địa phương lúc nông nhàn. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Đến nay, các cấp hội phụ nữ đã hỗ trợ gần 4.000 chị khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh, thành lập trên 800 doanh nghiệp nữ, trên 350 HTX, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ...
Đồng chí Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: Các cấp hội đều tập trung vào thay đổi tư duy, giúp hội viên, phụ nữ mạnh dạn, tự tin, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để phát triển ngành nghề. Việc phát triển nghề của các cấp hội phụ nữ đã và đang góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, giúp hàng nghìn hội viên có cơ hội nâng cao mức sống, nâng cao quyền năng phát triển kinh tế và ngày càng thêm gắn bó với tổ chức hội, xây dựng hội vững mạnh.
Bài và ảnh: Lê Hà