• :
  • :

Vai trò, vị trí của tổ chức Đảng, đoàn thể, đảng viên trong doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân

Vai trò, vị trí của tổ chức Đảng, đoàn thể, đảng viên trong doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân

Đồng chí Dương Văn Mạnh, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ trình bày tham luận tại hội thảo. (Ảnh: Quốc Hương)

Tham luận nêu rõ: Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng ta luôn quan tâm nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp ngoài Nhà nước nói riêng. Nhiều chính sách được ban hành nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển.

Đối với tỉnh Thanh Hoá, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo thực hiện chủ trương phát triển doanh nghiệp nói chung, trong đó khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 14.725 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; tổng vốn điều lệ đăng ký 118,6 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2020 toàn tỉnh có 17.181 doanh nghiệp tư nhân, chiếm 99,4%; 76 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 0,4% trong tổng số doanh nghiệp.

Theo báo cáo của các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy về tình hình thực hiện Chỉ thị 33-CT/TW, ngày 18-3-2019 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, đến nay toàn tỉnh có 20.500 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 326.919 lao động; toàn tỉnh có 20.344 doanh nghiệp dân doanh; 128 doanh nghiệp FDI, trong đó có 367 doanh nghiệp có tổ chức Đảng, chiếm 1,79% số doanh nghiệp toàn tỉnh, với tổng số 10.610 đảng viên.

Từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 33-CT/TW, ngày 18-3-2019 của Ban Bí thư Trung ương đến tháng 11-2021 đã thành lập mới 47 tổ chức Đảng và kết nạp 1.948 đảng viên mới trong các doanh nghiệp tư nhân. Số doanh nghiệp ngoài Nhà nước chưa có tổ chức Đảng và tổ chức đoàn thể là gần 15.000 doanh nghiệp.

Dự báo kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh, hiệu quả, thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công tác xây dựng Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân được Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, MTTQ và các đoàn thể của tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Thực tế cho thấy, nhiều tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò, vị trí của mình, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Tập hợp, động viên cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động chấp hành nghiêm pháp luật, thực hiện tốt nội quy, quy định của doanh nghiệp, yên tâm lao động sản xuất. Góp phần đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống. Nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân đã có nhận thức đúng về Đảng, phấn đấu và được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.

Tuy nhiên, một số địa phương trong tỉnh vẫn chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phát triển tổ chức Đảng, đảng viên. Tỷ lệ số tổ chức Đảng trên tổng số đơn vị cũng như số đảng viên trên tổng số lao động trong khu vực kinh tế tư nhân còn rất thấp. Vai trò của tổ chức Đảng, đảng viên ở một số doanh nghiệp còn mờ nhạt; nội dung và phương thức hoạt động còn lúng túng; chất lượng sinh hoạt đảng có mặt còn hạn chế. Việc kết nạp công nhân và chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng có chuyển biến, nhưng kết quả chưa cao. Số doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn và Đoàn Thanh niên còn nhiều. Việc thành lập các tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp tư nhân còn khó khăn.

Để thực hiện chủ trương của Đảng nói chung, nhiệm vụ mà Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đề ra trong giai đoạn 2021-2025 đối với nhiệm vụ phát triển tổ chức Đảng và kết nạp đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân, thời gian tới các cấp ủy Đảng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và chủ doanh nghiệp về công tác xây dựng tổ chức đảng, các đoàn thể Nhân dân trong doanh nghiệp. Vận động để chủ đơn vị kinh tế tư nhân nhận thức đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân; sự cần thiết khách quan và tác dụng của việc thành lập tổ chức Đảng, phát triển đảng viên trong đơn vị kinh tế tư nhân. Giáo dục, động viên người lao động phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, chấp hành pháp luật, phấn đấu trở thành đảng viên.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp ủy Đảng, nhất là cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở Đảng. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân. Hướng dẫn cụ thể nội dung Nghị định số 98/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24-10-2014 về quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Nghiên cứu quy định mức kinh phí chi cho việc thành lập, chi hoạt động thường xuyên, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới tại các doanh nghiệp.

Tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị 33-CT/TW, ngày 18-3-2019 của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Đặc biệt là củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể Nhân dân trong các đơn vị kinh tế tư nhân ở các đơn vị, nhất là cấp huyện.

Nghiên cứu ban hành khung quy chế làm việc của cấp ủy, xác định rõ mối quan hệ phối hợp giữa cấp ủy với lãnh đạo, chủ đơn vị kinh tế tư nhân trên cơ sở tôn trọng bảo đảm hài hòa lợi ích của đơn vị với sự phát triển của tổ chức Đảng và quyền của đảng viên trong doanh nghiệp.

Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của cấp ủy, đảng bộ, chi bộ hiện có trong doanh nghiệp; tích cực xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, làm tốt công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên theo tinh thần Chỉ thị số 05 ngày 28-5-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác phát triển đảng viên. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và quản lý đảng viên, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.

Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội hiện có trong doanh nghiệp đồng thời đẩy mạnh việc thành lập mới các tổ chức đoàn thể nhất là tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức đoàn thể. Chăm lo xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Nguyễn Mai (lược ghi)


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết