• :
  • :

Vận dụng tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường lên CNXH ở Việt Nam”của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh niên

Vận dụng tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường lên CNXH ở Việt Nam”của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh niên

(Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Chính phủ)

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ rõ: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần, trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hoà cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ” [1].

Trong bài phát biểu tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Với trái tim đầy nhiệt huyết, với tinh thần sáng tạo, ham học hỏi và khát vọng cháy bỏng, thanh niên luôn luôn là lực lượng đi đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, thanh niên nước ta, hết thế hệ này đến thế hệ khác đã luôn luôn nêu cao truyền thống yêu nước, chí khí anh hùng, bất khuất của dân tộc, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, sẵn sàng dấn thân, hăng hái xông pha đi tiên phong trên mọi lĩnh vực, có nhiều cống hiến to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Từ khi có Đảng lãnh đạo, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã nối tiếp nhau cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đánh đuổi các thế lực thực dân, phong kiến, đế quốc, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước".

Thanh Hóa không chỉ là vùng đất cách mạng, mà còn là vùng đất văn hóa - là cái nôi di sản dân tộc. Đặc biệt, trong thời đại Hồ Chí Minh, Thanh Hóa đã cùng với quân, dân cả nước đánh đuổi thực dân, đế quốc sừng sỏ bậc nhất thế giới, để khẳng định chủ quyền dân tộc trên bản đồ nhân loại...

Với niềm tự hào truyền thống quê hương văn hoá và cách mạng, các cấp bộ Đoàn tỉnh Thanh Hoá luôn bám sát sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Bí thư Trung ương Đoàn, công tác giáo dục truyền thống cách mạng luôn được chú trọng và tổ chức thường xuyên. Thông qua các hoạt động đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thanh, thiếu nhi, tạo môi trường lành mạnh để thế hệ trẻ rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức cao đẹp, lối sống nghĩa tình, tuân thủ pháp luật, từng bước hoàn thiện nhân cách.

Tuy nhiên, mặt trái của kinh tế thị trường, những thách thức của hội nhập kinh tế thế giới, thế hệ trẻ tiếp tục là đối tượng, mục tiêu mà các thế lực thù địch tập trung lôi kéo, kích động, chia rẽ. Điều nguy hiểm hiện nay là đã xuất hiện một bộ phận thanh niên tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, chạy theo lợi ích vật chất, coi đồng tiền là trên hết. Thậm chí một số ít thanh niên dao động, tin theo những luận điệu của các thế lực thù địch, xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ Đảng và chế độ, hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tài liệu quý, vừa có giá trị lý luận, vừa có giá trị thực tiễn sâu sắc. Trong đó, xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hóa mà chúng ta xác định là nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nền văn hóa thống nhất, đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn.

Như vậy, có thể hiểu giáo dục truyền thống chính là giáo dục văn hóa, giữ gìn truyền thống chính là giữ gìn văn hóa.“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Điều này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhiều lần trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Do đó, để đưa thanh niên lại gần hơn với các giá trị truyền thống của quê hương, đất nước, từ đó biết trân trọng, giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa của dân tộc, đối với tổ chức Đoàn cần chú trọng thực hiện một số nội dung sau:

Một là, cần tiếp tục đổi mới nội dung tuyên truyền, giáo dục truyền thống của Đoàn; tập trung tổ chức các chương trình, hoạt động và các đợt sinh hoạt chính trị có tính hệ thống, đồng bộ, rộng khắp theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Tổ chức cho đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia các diễn đàn, tọa đàm, ngày hội thanh niên, liên hoan ca khúc cách mạng, xem phim lịch sử, triển lãm, thi tìm hiểu... nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, của Đoàn và đất nước. Tổ chức học tập ngoại khóa, giao lưu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, nghệ nhân văn hóa, hành trình đến các địa chỉ đỏ, các bảo tàng, làng văn hóa, làng nghề truyền thống... Triển khai hiệu quả các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”; duy trì tổ chức Lễ Thắp nến tri ân; chủ động đảm nhận chăm sóc, tôn tạo và phát huy hiệu quả các khu di tích lịch sử, di tích văn hóa, địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh thiếu nhi. Tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng bản đồ số, số hóa các tài liệu, hiện vật, thông tin về các nhân vật, địa danh lịch sử, địa chỉ đỏ. Khuyến khích đoàn viên thanh niên tham gia các câu lạc bộ bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử tại địa phương.

Hai là, chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên. Chủ động cung cấp thông tin, ngăn chặn, phản bác những thông tin, luận điệu sai trái, trang bị kiến thức, kỹ năng để thanh niên tự phòng ngừa, tự sàng lọc, tự đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tham gia bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ an ninh tư tưởng, an ninh văn hóa trên không gian mạng.

Ba là, coi trọng giáo dục bằng hành động, qua thực tiễn phong trào. Phát huy vai trò tiên phong, xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ. Theo đó, thanh niên phải tiên phong trong việc trau dồi đạo đức cách mạng với tinh thần khiêm tốn, giản dị, cầu tiến bộ; dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn; phải có khát vọng vươn lên để cống hiến, và coi đó là lẽ sống của mình; phải tiên phong, tình nguyện trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong những việc khó, việc mới; sẵn sàng chia sẻ vì cộng đồng; xung phong đến với những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đến với những người nghèo, người yếu thế; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần.

Bốn là, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên về tầm quan trọng của công tác giáo dục truyền thống. Chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền về chủ trương, kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên. Làm tốt công tác phối hợp với các ngành, huy động các nguồn lực xã hội để phục vụ cho hoạt động của Đoàn.

Năm là, kịp thời tuyên truyền người tốt, việc tốt, hành động đẹp; nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo; tuyên dương gương thanh niên tiêu biểu, điển hình tiên tiến - vì “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Đối với cấp ủy Đảng, chính quyền, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, sự quản lý của chính quyền trên lĩnh vực văn hóa, đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, tạo môi trường sinh sống, học tập, vui chơi, giải trí, rèn luyện tích cực, lành mạnh. Đầu tư xứng đáng cả về nhân lực và nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp các công trình văn hóa, di tích lịch sử, giữ gìn các giá trị truyền thống, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại; tạo môi trường để công chúng được khám phá, thưởng thức các giá trị văn hóa, lịch sử, di sản thông qua các ứng dụng công nghệ hấp dẫn, cuốn hút hơn. Phát huy “sức mạnh mềm” của truyền thống dân tộc, của văn hóa quê hương.

Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, thanh thiếu niên vừa góp phần tu dưỡng đạo đức cách mạng, vừa tôn vinh nét đẹp truyền thống, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, niềm tin vững chắc vào Đảng, vào sự nghiệp đổi mới của nước ta do Đảng lãnh đạo. Từ đó giáo dục thanh niên thấy được vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, hăng hái trong hoạt động thực tiễn xung kính, trong phát triển kinh tế - xã hội và trên mọi lĩnh vực góp phần xây dựng Thanh Hóa phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và sớm trở thành “tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn!

[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, H2021, t1, tr.168.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết