• :
  • :

Về Ngọc Chuế nghe chuyện kể danh tướng Trình Minh

Về Ngọc Chuế nghe chuyện kể danh tướng Trình MinhDi tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền thờ Trình Minh ở làng Ngọc Chuế, xã Hà Châu. Ảnh: Khánh Lộc

Làng Ngọc Chuế còn được biết đến với tên gọi Chuế Khu, Ngọc Xuyết, Kim Xuyết nằm gọn trong vùng đồng chiêm trũng phía Đông của huyện Hà Trung. Làng nằm dưới chân núi Ngọc Chuế (núi Cổ Phượng, Phượng Lĩnh, Vân Cô). Theo sách Địa chí huyện Hà Trung: “Từ thế kỷ thứ X... những cư dân đầu tiên đã đến đây sinh cơ lập nghiệp ở ven núi Phượng và các vùng xung quanh hình thành 3 cụm dân cư: Thạch Lỗi ở sườn Bắc núi Phượng, Chuế Khu ở sườn Đông, Nga Châu ở khu Đồng Bái. Làng Ngọc Chuế ngày càng đông đúc, phân bố thành hình vành khăn xung quanh sườn núi từ phía Bắc vòng sang Đông và phía Nam ở Phượng Lĩnh”.

Người dân địa phương tin rằng, làng Ngọc Chuế có từ thời nhà Đinh và tướng Trình Minh vừa là thủy tổ dòng họ Trình ở Ngọc Chuế, cũng là người có công lập làng. Theo các tài liệu, truyền thuyết lưu truyền, Trình Minh quê ở làng Trung Lập, huyện Lôi Dương (nay thuộc Thọ Xuân). Từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, sáng dạ, học đâu hiểu đó, lại tinh thông võ nghệ, được người xung quanh kính nể. Tuy nhiên, vừa tuổi đôi mươi thì bố mẹ qua đời.

Trình Minh phải bỏ dở việc học hành và đến vùng Nga Sơn lập nghiệp. Đến vùng đất tiếp giáp với huyện Tống Sơn ở chân núi Phượng, ông thấy địa thế hoang vu lại rất đỗi tươi đẹp... Lúc đó đã có trang Thạch Lỗi - một khu đất do Mai Đức Xương mới lập ở sườn Bắc núi Phượng, gồm vài gia đình họ Mai. Ông được họ Mai đón tiếp mời ở lại dạy học. Ông cùng với Mai Đức Xương kết nghĩa anh em và chiêu mộ dân khắp nơi đến khai phá ruộng nương, sau vài năm đã có vài chục gia đình, hàng trăm mẫu ruộng, nuôi được mươi con trâu. Trình Minh đã lập ra làng Chuế Khu ở sườn Đông và Đông Nam núi Phượng, gồm các họ Trình, Vũ, Lê, Trương.

Theo sách Địa chí huyện Hà Trung, bấy giờ, tình hình trong nước có nhiều biến động, sau khi Ngô Quyền mất, chính quyền nhà Ngô dần suy yếu, các thế lực phong kiến nổi dậy cát cứ đất đai, thôn tính lẫn nhau, gây chiến tranh khắp nơi. Trước bối cảnh ấy, ở động Hoa Lư (Ninh Bình) Đinh Bộ Lĩnh cũng khởi binh. Lúc này, Trình Minh đã ở độ tuổi chín để suy xét “bàn thế sự, luận anh hùng”. Vì thế, khi Đinh Liễn vào xứ Thanh tuyển quân, Trình Minh đã dẫn theo trai tráng làng Chuế Khu theo ra Hoa Lư làm tướng dưới trướng. Ông được Đinh Bộ Lĩnh cử làm mưu sĩ kiêm Đẳng Nhung Sự. Với cương vị đó ông đã đóng góp nhiều công lao, tham gia chỉ huy nhiều trận đánh dẹp các sứ quân khác góp phần chấm dứt thời kỳ nội loạn... Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế gọi là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Vua Đinh xét công lao Trình Minh, phong ông là Minh Tự Khanh và cử về trấn trị vùng đất Tống Sơn (Nga Sơn, Hà Trung ngày nay) và ban cho làm thực ấp. Ông lại về sống ở Chuế Khu.

Khi biết tin vua Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn bị gian thần Đỗ Thích ám hại, tướng Trình Minh đã theo Nguyễn Bặc và Đinh Điền giết được Đỗ Thích, đưa con thứ còn nhỏ của vua Đinh là Đinh Toàn lên ngôi.

Khi Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua để đối phó, chống lại âm mưu xâm lược của nhà Tống ở phương Bắc, Trình Minh đã được mời ra giúp sức. Tuy nhiên, vì tấm lòng “trung quân” với nhà Đinh, nên Trình Minh đã từ chối làm quan cho nhà Tiền Lê. Tướng Trình Minh trở về đất Chuế Khu, cùng dân làng khẩn hoang, xây dựng xóm làng thêm đông đúc, trù phú.

“Ngày 10 tháng 3 năm Giáp Dần (1014), Trình Minh bị bệnh mất khi về thăm quê cũ ở làng Trung Lập, thọ 74 tuổi. Ông được triều Lý phong là Phúc Nhạc tôn thần và giao cho trang Kim Xuyết (tức Ngọc Chuế, Chuế Khu) lập đền thờ phụng. Từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn ông được các triều vua phong 15 đạo sắc. Triều vua cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại đã phong sắc “Trác vĩ thượng đẳng thần” cho Trình Minh” (sách Địa chí huyện Hà Trung).

Sống trong giai đoạn lịch sử dân tộc xảy ra nhiều biến động mang tính bước ngoặt. Trong hành trình cùng Đinh Bộ Lĩnh “dẹp loạn” và phụng sự vương triều nhà Đinh, tướng Trình Minh đã thể hiện tài năng, nhân cách, khí tiết, đóng góp công sức cho lịch sử dân tộc. Không chỉ vậy, ông còn là vị Thành hoàng làng có công lập nên làng cổ Ngọc Chuế. Bởi vậy đã được sử sách lưu danh, Nhân dân nhắc nhớ.

Về thăm đất cổ Ngọc Chuế, đến thăm Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền thờ Trình Minh dưới sườn núi Phượng, nơi đây có nhiều cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Giới thiệu về di tích và các nhân vật được thờ tại đây, ông Trình Xuân Cử - hậu duệ dòng họ Trình, đồng thời là phó ban quản lý di tích đền thờ Trình Minh, cho biết: “Cụ thủy tổ Trình Minh là người có công với đất nước nói chung, dân làng Ngọc Chuế nói riêng. Sự nghiệp, tài năng, công đức của cụ được ghi trong hai tài liệu chữ Hán là “Trình tộc phả ký dẫn” (còn gọi là gia phả dòng họ Trình) và “Kim Chuế thôn sự tích”, đến nay vẫn được lưu giữ. Đền thờ được dựng sau khi cụ qua đời. Tuy nhiên, trải qua thời gian, ngôi đền đã bị xuống cấp và hư hỏng. Năm 2013, đền thờ Trình Minh được tôn tạo với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là kinh phí do con cháu dòng họ đóng góp. Tại di tích, ngoài thờ danh tướng Trình Minh, còn phối thờ các vị tiền nhân dòng họ Trình có nhiều công trạng trong lịch sử”.

Bà Trương Thị Hải, công chức văn hóa - xã hội xã Hà Châu, cho biết: “Hằng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch là lễ tưởng nhớ ngày mất danh tướng Trình Minh cũng đồng thời là lễ tế Thành hoàng làng Ngọc Chuế, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, con cháu dòng họ Trình từ khắp mọi miền đất nước. Lễ hội diễn ra không chỉ là dịp để hậu thế bày tỏ lòng biết ơn tiền nhân mà còn gửi gắm ước vọng cầu cho mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh. Tính đến hiện tại, đền thờ Trình Minh là di tích cấp quốc gia duy nhất trên địa bàn xã Hà Châu”.

Khánh Lộc

(Bài viết có tham khảo, sử dụng một số nội dung trong sách Địa chí huyện Hà Trung và tài liệu lưu giữ tại địa phương).


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết