Vùng Gia Miêu xưa thuộc tổng Thượng Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa. Từ thời nhà Nguyễn đã gọi Gia Miêu là đất Quý hương, gọi huyện Tống Sơn là Quý huyện. Đây cũng chính là nơi phát tích của 9 đời chúa, 13 đời vua triều Nguyễn. Tổ tiên nhà Nguyễn định cư ở đây rồi sinh cơ lập nghiệp. Vùng đất này về sau là nơi an táng Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế Nguyễn Kim, bố Nguyễn Hoàng, người mở mang bờ cõi về phương Nam.
Lăng Trường Nguyên (lăng Triệu Tường) là nơi hợp táng Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế Nguyễn Kim. Lăng nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa lăng miếu Triệu Tường. Với các vua nhà Nguyễn, có lăng (nơi chôn) luôn có miếu kèm theo làm nơi thờ tự. Vì vậy, đã có lăng Triệu Tường thì sẽ có miếu Triệu Tường.
Miếu Triệu Tường được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1803, với chu vi khoảng 182 trượng (tương đương 50.000 m2), có tường thành xây kín, bao quanh là hào nước, cầu gạch bắc qua, lại có hai lớp lũy bao bọc nên được ví như tòa thành nhỏ. Cửa nam có một vọng lâu, cổng tam quan, phía sau là hồ sen hình bán nguyệt.
Miếu được chia làm ba khu vực. Khu chính giữa là Nguyên miếu thờ Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế Nguyễn Kim và Thái tổ Gia dụ hoàng đế Nguyễn Hoàng. Khu phía Đông thờ Trừng quốc công Nguyễn Văn Lựu (thân phụ của Nguyễn Kim) và Lỵ nhân công Nguyễn Hán (con trai Nguyễn Hoàng). Khu phía Tây là trại lính và nhà ở của gia nhân các quan trông coi lăng miếu. Nơi đây được coi là công trình văn hóa tâm linh đặc biệt của nhà Nguyễn.
Ngoài lăng miếu Triệu Tường, đình Gia Miêu cũng được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1804, cùng thời với việc xây dựng khu lăng miếu Triệu Tường. Đây là nơi thờ thành hoàng Nguyễn Công Duẩn.
Đình dựng trên một khu đất rộng, thoáng đãng với diện tích 364m2. Tòa Đại Đình gồm 5 gian, 2 chái, dài 28m, rộng 13m, gồm 32 cây cột. Xưa kia, đình là nơi hội họp của các chức sắc trong huyện, phủ và là nơi để tuyển quân, luyện quân, cung cấp quân đội cho nhà Lê. Đây cũng là nơi lễ, tế, hội họp của làng…
Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật bề thế với nhiều mảng chạm khắc, tinh xảo, trang trí cầu kỳ. Những mảng chạm khắc này được thể hiện ở vì nóc, đầu các xà đai, kẻ bẩy, đường diềm... Bên cạnh đó, các linh vật như rồng, lân, rùa... cũng được trang trí hết sức công phu, tinh tế và sinh động.
Kết cấu kiến trúc và nghệ thuật trang trí ở đình Gia Miêu có một mối quan hệ hữu cơ. Sự hài hòa giữa kiến trúc và điêu khắc hay đúng hơn là hình thái “nửa kiến trúc, nửa điêu khắc” là đặc điểm bao trùm toàn bộ công trình.
Theo các ghi chép còn lại của dòng họ Nguyễn Hữu, tổng cộng đã có 5 vua triều Nguyễn từng về Gia Miêu tế bái tổ tiên, gồm Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Thành Thái và Bảo Đại. Năm 1822, vua Minh Mạng trong lần về bái yết đã làm bài minh, mở đầu với những câu: “Đất chứa khí thiêng sinh ra Triệu tổ/ Vun đắp cương thường tỏ rõ thánh võ...”, ca ngợi công đức của Nguyễn Kim, tri ân mảnh đất linh thiêng, rồi dựng bia ngay dưới chân núi Thiên Tôn. Vua Bảo Đại năm 1936 cũng đã đề đôi câu đối ở nhà thờ họ Nguyễn Hữu để ghi nhớ tổ tiên.
Bức ảnh do một nhiếp ảnh gia người Pháp chụp từ trên cao trước năm 1945 cho thấy lăng miếu Triệu Tường quy mô rất bề thế với nhiều công trình lớn nhỏ được kiến thiết quy củ như “kinh thành Huế thu nhỏ”. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố lịch sử, những lăng miếu dựng trên “mảnh đất quý hương” đã bị hủy hoại, chỉ còn ngôi đình cổ và những dấu tích nền móng...
Hiện khu lăng miếu Triệu Tường và đình Gia Miêu đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.