• :
  • :

Vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào qua việc đào tạo nguồn nhân lực

Vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào qua việc đào tạo nguồn nhân lựcTrường Cao đẳng Y Thanh Hóa tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh Lào đang học tập tại nhà trường.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 500 sinh viên Lào đang học tập tại các trường: Đại học Hồng Đức; Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cao đẳng Y tế; Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa. Trong đó, có gần 200 sinh viên thuộc diện được tỉnh cấp học bổng, còn lại là sinh viên thuộc diện tự túc.

Tại Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa hiện có gần 200 sinh viên Lào đang theo học 7/8 chuyên ngành, bậc cao đẳng và 2/4 chuyên ngành, bậc trung cấp. Đối với Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, từ năm 2014 đến nay đã đào tạo hơn 300 lưu học sinh Lào ở các chuyên ngành khác nhau. Được biết, công tác tiếp nhận, quản lý lưu học sinh Lào luôn được nhà trường thực hiện nghiêm túc theo Thông tư 30/2018/TT-BGDĐT ngày 24/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam. Trong quá trình đào tạo, các nhà trường dành học bổng khuyến khích sinh viên có thành tích học tập; hỗ trợ các em về nơi ăn, ở và các điều kiện học tập.

Sinh viên So Ne Xay (Lớp Cao đẳng dược, Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa) cho biết, khó khăn lớn nhất của em trong quá trình học tập là học Tiếng Việt. Được sự giúp đỡ của thầy cô và các bạn trong Câu lạc bộ Tiếng Việt, em đã dần bắt nhịp với việc học tập của mình. Đặc biệt hơn, ngày lễ, tết, dù ở xa gia đình nhưng nhà trường đã tổ chức chương trình đón Tết cổ truyền Bunpimay cho các lưu học sinh Lào đang học tập tại nhà trường. Chương trình vui đón Tết cổ truyền Bunpimay đã đem lại bầu không khí ấm cúng cho các bạn sinh viên Lào.

Cùng với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, trong những năm qua Trường Đại học Hồng Đức đã đào tạo hơn 1.000 lưu học sinh Lào thuộc các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, học sinh của tỉnh Hủa Phăn và một số tỉnh khác của nước CHDCND Lào. Trong công tác đào tạo, nhà trường luôn tích cực triển khai thực hiện tốt nội dung thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh Hủa Phăn, Luông Nậm Thà, Bò Kẹo, Xiêng Khoảng, Boli Khămxay, Luông Pra Băng.

Nhận thức rõ đặc điểm đào tạo lưu học sinh là không chỉ dạy Tiếng Việt, dạy kiến thức cho các em mà phải có sự quan tâm ân cần, gần gũi, chia sẻ với học sinh như những người thân, kịp thời hiểu được những tâm tư, tình cảm của học sinh để hướng học sinh tới lối sống lành mạnh, nhà trường đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa - thể thao... Các câu lạc bộ tiếng Việt - Lào, tình nguyện quốc tế Việt - Lào của nhà trường cũng đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các em lưu học sinh sớm tiếp cận văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam. Bên cạnh đó, các lưu học sinh Lào được bố trí ở miễn phí trong khu ký túc xá tốt nhất dành riêng cho lưu học sinh Lào, được khám sức khỏe định kỳ và cấp thẻ bảo hiểm y tế kịp thời.

PGS.TS Hoàng Thị Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho biết: "Không phụ sự tin tưởng của lãnh đạo các tỉnh và các thầy cô, lưu học sinh Lào học tập tại trường đều hoàn thành chương trình học đúng tiến độ, có một số bạn được tặng giấy khen trong học tập, nghiên cứu khoa học và trong các hoạt động văn hóa - thể thao. Sự thông minh, chăm chỉ của các em lưu học sinh Lào chính là những yếu tố nội lực để nhà trường tự tin khẳng định thành quả trong các hoạt động giáo dục hợp tác với nước bạn".

Với những nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo của các nhà trường đã giúp lưu học sinh Lào yên tâm học tập. Điều rất đáng tự hào là các em lưu học sinh Lào sau khi học tập tại tỉnh Thanh Hóa trở về quê hương đều phát huy được năng lực vào công việc chuyên môn, trở thành những cán bộ của nhiều sở, ban, ngành tại Lào. Các thế hệ lưu học sinh Lào trở thành cầu nối văn hóa, cầu nối ngôn ngữ, cầu nối nghĩa tình để quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh của nước bạn Lào ngày càng bền chặt.

Bài và ảnh: Hoàng Lan


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết