Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh; các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo đề dẫn tại hội nghị do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày nêu rõ: Trong những năm qua khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được coi là một bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đã đầu tư vào Việt Nam; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách Nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã luôn tin tưởng, đồng hành vào sự điều hành của Chính phủ, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động, chống đứt gãy chuỗi cung ứng. Điều này đã góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, diễn biến mới, chưa từng có tiền lệ, rất khó dự báo hoặc không thể dự báo; rủi ro, bất định ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn cầu. Trong nước, những khó khăn thách thức hiện hữu như chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động cục bộ tại một số ngành và địa phương… đã tác động đến quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế Việt Nam, trong đó có khu vực đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cùng với những khó khăn, thách thức cũng đã mở ra những cơ hội mới và động lực mới trong hợp tác phát triển. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế đã và đang tìm kiếm các địa điểm đầu tư tại Việt Nam nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn với nhiều lợi thế quan trọng.
Các điểm cầu dự hội nghị. (Ảnh chụp màn hình).
Tại hội nghị, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã phát biểu nhận định, đánh giá cao sự nỗ lực và những quyết sách kịp thời của Chính phủ vì mục tiêu khôi phục và phát triển nền kinh tế Việt Nam; việc xây dựng môi trường đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời phân tích làm rõ những khó khăn, vướng mắc, thách thức, những kiến nghị, đề xuất cũng như việc tận dụng cơ hội để đầu tư, mở rộng đầu tư trong một số lĩnh vực tại Việt Nam.
Đại điện các bộ, ngành, địa phương trong nước cũng đã phát biểu thể hiện quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực thi chích sách và chuẩn bị các điều kiện để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việt Nam nhất quán và khẳng định quan điểm coi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.
Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động. Thời gian qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (Ảnh chụp màn hình).
Để tiếp tục tạo môi trường thu hút đầu tư, Thủ tướng Chính phủ cho biết: Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng về giao thông, về chuyển đổi số; xây dựng nguồn nhân lực và đẩy mạnh cải cách hành chính. Quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư.
Thủ tướng khẳng định: Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện, môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư tại Việt Nam với tinh thần bình đẳng cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động và bảo vệ môi trường, lợi ích hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ. Tôn trọng ý kiến của nhau, cùng nhau giải quyết khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sự phát triển.
Nhiệm vụ và mục tiêu đặt ra của Việt Nam trong thời gian tới là thực hiện “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 không”, đó là: Ổn định kinh tế vĩ mô; ổn định các loại thị trường; ổn định và nâng cao đồi sống vật chất, tinh thần Nhân dân; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư. Tăng cường nắm tình hình; tăng cường an sinh xã hội và công tác y tế, bảo vệ sức khỏe người dân, người lao động; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh tạo việc làm, sinh kế cho người dân và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tiết kiệm triệt để và giảm chi phí không cần thiết. Và 1 không đó là không điều hành kinh tế giật cục, chuyển đổi trạng thái đột ngột.
Thủ tướng nhấn mạnh tư duy điều hành phát triển đó là bảo đảm ổn định trong sự bất định; giữ được chủ động trong thế bị động; kiên định, nhất quán trong điều kiện chịu tác động từ nhiều chiều cả bên trong và bên ngoài; thiết kế công cụ kiểm soát rủi ro và đẩy mạnh hội nhập. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chủ động đánh giá, rà soát các điều kiện cần thiết thu hút đầu tư. Tranh thủ mọi nguồn lực, phát huy tối đa lợi thế “biến nguy thành cơ”, càng khó khăn, thách thức càng phải đoàn kết thống nhất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn sự đồng hành và đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, chia sẻ với những nhà đầu tư gặp khó khăn do tình hình trong nước và thế giới. Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, chân thành lắng nghe, chia sẻ và nỗ lực giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài. Thủ tướng khẳng định: Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam, góp phần đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, chung tay, chung sức, đồng lòng vì một trái đất yên bình và xanh, vì một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, không để ai lại phía sau.