• :
  • :

Xóa bỏ tư tưởng, tập quán canh tác lạc hậu - cách làm từ Đảng bộ huyện Quan Sơn

Xóa bỏ tư tưởng, tập quán canh tác lạc hậu - cách làm từ Đảng bộ huyện Quan SơnNhờ nguồn tiết kiệm hàng tháng gia đình ông Lương Văn Ky ở khu phố Păng, thị trấn Sơn Lư không còn lo gánh nặng trả nợ ngân hàng, chuyên tâm phát triển kinh tế.

Được tiếng siêng năng, cần cù làm lụng, nhưng số tiền vợ chồng anh Hà Văn Cương (SN 1973) ở bản Hát, xã Tam Lư tích cóp được chẳng là bao. Được cán bộ xã tuyên truyền, rồi học hỏi qua tivi, điện thoại thông minh, anh biết nguyên nhân nghèo của gia đình mình. Đó là bởi tập quán canh tác lạc hậu. Ví như trồng cây lúa, cây nứa, vầu chẳng cần bón phân hay bỏ công chăm sóc, được chăng hay chớ... Biết thế, anh tham gia các lớp tập huấn kiến thức, rồi học hỏi qua sách báo, đầu năm 2023 anh mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quan Sơn, cùng với số vốn tự có anh đã đầu tư chuồng trại, chăn nuôi gà, vịt thương phẩm và cải tạo hơn 2 ha nứa, vầu. Nắm vững kiến thức, kỹ thuật, rồi tìm hiểu nhu cầu thị trường, anh Cương không nuôi ồ ạt, mà chỉ nuôi với số lượng vừa phải và thực hiện gối vụ, gối lứa để luôn có gà, vịt thương phẩm bán, lại không bị thương nhân ép giá. Bằng cách này, từ tháng 6 đến nay, gia đình anh đã xuất bán hơn 130 con gà ri, 250 con vịt, trừ chi phí thu lãi gần 30 triệu đồng. Với mô hình phát triển kinh tế bền vững, đời sống được cải thiện, mới đây gia đình anh Cương đã thoát khỏi hộ nghèo.

Còn ông Lương Văn Ky ở khu phố Păng, thị trấn Sơn Lư đã nhìn nhận được nguyên nhân gia đình mình mãi không giàu lên được, dù cần cù việc đồi nương, rồi buôn bán nhiều mặt hàng. Theo ông Ky, nguyên do là bởi gia đình làm ra tiền nhưng không tiết kiệm được, chỉ cần một đợt hàng hóa bán chậm, hoặc đàn vật nuôi bị dịch bệnh thì sẽ hết vốn, thậm chí lâm cảnh nợ nần. Trong khi đó, làm nông nghiệp thì do không nắm vững kiến thức, nhu cầu thị trường nên cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế không cao.

Nghĩ vậy, năm 2021 ông đã tìm hiểu kỹ thuật trồng chọt, chăn nuôi rồi quyết định vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi gà ri lai, ba ba thương phẩm, phục tráng hơn 6 ha rừng luồng đã kém chất lượng. Có kiến thức, lại chú tâm chăm sóc, đàn gà lớn nhanh, ít bệnh. Từ tháng 2/2023 đến nay, gia đình ông đã xuất bán 2 lứa gà thương phẩm với hơn 4 nghìn con, trừ chi phí, thu lãi 200 triệu đồng. Ông cho biết: “Với đà này, chẳng mấy chốc gia đình tôi trả nợ được ngân hàng và có lãi. Để giảm áp lực trả nợ gốc sau này cho ngân hàng, ngoài nộp tiền lãi theo định kỳ, hàng tháng gia đình tôi gửi tiết kiệm từ 300 nghìn đồng trở lên. Chúng tôi sẽ dành số tiền này để trả nợ ngân hàng. Nếu cần, đó cũng là một khoản để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất”.

Theo Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quan Sơn Lê Anh Thiện, năm 2021 tổng số tiền tiết kiệm của người dân trên địa bàn huyện tại chi nhánh tăng 7 tỷ đồng so với năm 2020; năm 2022 tăng 12 tỷ đồng so với năm 2021 và 10 tháng năm 2023 tăng 15 tỷ đồng so với cả năm 2022. Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quan Sơn đã tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân mở tài khoản và gửi tiền tiết kiệm hàng tháng.

Những tài khoản tiết kiệm trên địa bàn huyện Quan Sơn đang ngày càng nhiều, là chỗ dựa để nhiều hộ dân đầu tư phát triển kinh tế, hoặc giúp nhau thoát nghèo. Đó là minh chứng cho hành trình dài của Đảng bộ huyện Quan Sơn nhằm xóa bỏ tư tưởng, tập quán canh tác, thói quen sinh hoạt lạc hậu vốn ăn sâu, bám rễ trong Nhân dân. Từ năm 2017, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU về tăng cường công tác tư tưởng, nhanh chóng thay đổi tập quán canh tác, thói quen sinh hoạt lạc hậu trong Nhân dân; phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, nhằm sớm đưa Quan Sơn trở thành huyện khá. Không những nhận diện nguyên nhân sâu xa của tình trạng đói nghèo, nghị quyết còn chỉ rõ 12 biểu hiện của tư tưởng, tập quán canh tác, thói quen sinh hoạt lạc hậu. Trong đó còn tình trạng người dân có điều kiện thoát nghèo nhưng không muốn thoát nghèo để hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước; chi tiêu không hợp lý “làm ra bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu", không tích lũy, tái đầu tư sản xuất và phòng thân; không nghiêm túc chấp hành pháp luật và thực hiện hương ước làng bản; uống rượu say, bê tha, gây mất trật tự công cộng...

Bí thư Huyện ủy Quan Sơn Lương Thị Hạnh khẳng định, được cả hệ thống chính trị huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả, Nhân dân đồng tình hưởng ứng, Nghị quyết số 07-NQ/HU đã có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư với phương châm nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi. Từ đó đã tạo chuyển biến tích cực, rõ nét, làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, động viên Nhân dân nỗ lực, vươn lên phát triển kinh tế.

Kế thừa quan điểm này, ngày 21/5/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về tiếp tục tăng cường công tác tư tưởng; thực hành tiết kiệm, tích lũy tài chính thông qua mô hình “sổ tiết kiệm gia đình và quỹ tài chính phát triển cộng đồng” giai đoạn 2021-2025. Thông qua tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc đấu tranh, bài trừ, xóa bỏ hủ tục, thói quen sinh hoạt lạc hậu, gắn với bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp; thực hành tiết kiệm trong Nhân dân để phát triển kinh tế hộ gia đình và huy động tổng hợp các nguồn lực để phát triển cộng đồng.

Những sổ tiết kiệm vốn trong các hộ gia đình ở huyện Quan Sơn ra đời từ đó. Và với sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các cấp MTTQ, hội đoàn thể chính trị - xã hội, trên địa bàn huyện đã xuất hiện thêm mô hình các tổ, nhóm hội viên tiết kiệm bằng nhiều hình thức, có thể đóng góp tiền của, hoặc tham gia ngày công lao động để góp vốn giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế...

Bài và ảnh: Đỗ Đức


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết