Khu Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc).
Mẹ tôi hồi ấy là cán bộ Liên hiệp Công đoàn Thanh Hóa, tên cũ của Liên đoàn Lao động tỉnh bây giờ. Có dạo ở cái khu tập thể mạn cổng chợ Vườn Hoa, nhích ra tí là con đường lớn nhất thị xã Thanh Hóa thời ấy, một bên là hiệu sách Nhân dân, một bên là đồng hồ Việt Đức, thẳng tí nữa là bưu điện, rồi ga, có ông Sơn Tỉ, dị nhân Thanh Hóa gánh thuê ở ga.
Bé tí nhưng thi thoảng lồng nhồng một bọn kéo nhau đi bộ ra ngoại ô. Và đấy là Nam Ngạn. Thấy những thuyền nan, cả bến đen sì than. Hình như người ta chở than về nuôi cái nhà máy nhiệt điện, cũng nổi tiếng một thời chiến tranh, cách đấy một đoạn.
Ngày 3 và 4-4-1965, trước khi có cuộc chiến giữa không quân Mỹ và quân dân ta, mẹ tôi đã đưa anh em tôi ra Ninh Bình, quê ngoại để sơ tán nên không chứng kiến cái cuộc chiến khốc liệt ấy.
Nhưng lớn lên, tôi biết, trận ấy xuất hiện chị Hằng, chị Tuyển.
Và các chị là người Nam Ngạn.
Biết đâu trong những cuộc trốn bố mẹ đi từ phố Vườn Hoa ra Nam Ngạn ngày xưa, trong số những anh chị thanh niên vác than kia, tôi đã gặp chị Hằng, chị Tuyển. Thì tôi cứ nghĩ thế cho nó... sang.
Sau, Thanh Hóa thành lập Nhà máy Diêm 3-4, lấy cái ngày lịch sử ấy làm tên nhà máy, mẹ tôi được cử làm phó giám đốc nhà máy này.
Thế là cả nhà lại lục tục chuyển về nơi nhà máy chọn làm nơi đóng quân là làng Phong Mục, xã Châu Lộc, Hậu Lộc.
Rồi từ đấy, nhà tôi sang làm nhà ở xã Triệu Lộc, thôn Phú Điền.
Nơi đây có hai di tích Bà Triệu là đền Bà Triệu ở núi Bân và miếu thờ (mộ bà) trên núi Tùng.
Những ngày bom đạn dữ dội nhất của cuộc chiến tranh phá hoại, gia đình tôi ở đây, một ngôi nhà ngay bên Quốc lộ 1A, và chứng kiến cũng như nghe nhiều chuyện về bà.
Rất nhiều bậc cao niên của làng kể: Nhiều lần thấy rõ quả bom lao thẳng vào đền bà, nhưng tới gần, thấy như có bàn tay phất, cơn gió ào tới, quả bom lệch sang phía khác. Cô bạn học lớp 6 cùng tôi hồi ấy bị bom bi găm vào mông, hôm rồi tôi về gặp lại đã là một bà già, khi nghe tôi nhắc vết sẹo kia vẫn cười lỏn lẻn. Em trai tôi cách đây mấy năm lái xe đi làm, vừa nổ máy thì gục xuống vô lăng. Các bác sĩ giỏi nhất của Bệnh viện Trung ương Huế tìm tòi hội chẩn mãi, thì lôi ra từ sọ một... mảnh bi. Sau nhớ lại, hồi ở Triệu Lộc ấy, nó chạy qua một bãi bom, chắc mảnh bom găm từ hồi ấy mà không biết. Trận ấy làng chết khá nhiều. Cái mảnh bi ấy nằm im lìm trong hộp sọ em tôi hơn nửa thế kỷ mới... động đậy.
Lại chuyện, cứ nửa đêm gần ngày giỗ bà, người ta thấy một ngôi sao từ cái miếu trên núi Tùng bay xuống đền, một lúc lại bay ngược lên.
Lại chuyện năm ấy, tôi đi xem lễ rước Bà. Có bà cụ đội mâm xôi gà ra đình (tượng Bà ở trong đình, bình thường không ai được vào), tự nhiên con gà rơi xuống. Thế là bà cụ cứ sụp xuống: Lạy bà con sơ suất làm gà chưa sạch để con về làm con khác dâng bà. Hồi ấy đói lắm, con gà là cả vấn đề lớn.
Và cả nhà tôi chứng kiến, đội khiêng kiệu Bà từ đình sang đền cứ xoay vòng tròn, không đi thẳng được, hò hét nhau, bắt nhịp cho đều cũng không xử lý được. Cuối cùng quay vào đình... cúng lại. Lúc này cả đoàn kiệu chạy băng băng, ai cũng bảo rất nhẹ, như không khiêng gì? Tôi nhớ tối ấy ở nhà tôi có cuộc cãi nhau kịch liệt, ba mẹ tôi, cán bộ bảo do cánh thanh niên diễn; bà con hàng xóm lại bảo, diễn gì mà diễn, Bà “khiến” thế. Tại cúng chưa kỹ, làm ẩu. Việc này có cả mấy đời rồi.
Nhiều lắm, những ký ức về Bà, cứ hư hư thực thực. Tôi đắm chìm trong ký ức ấy, và tới năm 1975 khi rời xứ Thanh về quê nội là Huế, tôi mang theo cái ký ức bập bềnh ấy theo để vẫn cứ khát khao trở lại.
Cách đây mấy năm, tôi trở lại và ở Triệu Lộc mấy ngày, leo lên đỉnh núi Tùng, nơi tương truyền là nơi Bà tuẫn tiết. Đại tá pháo binh Hoàng Cao Pháp, bạn học thời cấp ba (nay là THPT) Hậu Lộc với tôi, giờ sống ở Hải Phòng cùng tôi leo núi, và cứ trầm trồ: chỗ này mà phòng thủ thì tuyệt.
Tôi cũng nhớ những cái tết nguội, là sáng mùng một tết tới trưa chỉ ăn đồ nguội chứ không đỏ lửa theo phong tục làng Phú Điền. Ba mẹ tôi, ông quê Huế, bà Ninh Bình nhưng cũng tuân thủ lệ của làng. Sau nhà tôi về Huế, té ra ở Thừa Thiên Huế cũng có tục ngày mùng một tết không đỏ lửa.
Lại khi tôi học cấp ba, trường cấp ba Hậu Lộc sơ tán từ Văn Lộc xuống Hoa Lộc. Đây là nơi có trung đội nữ dân quân bắn cháy máy bay Mỹ năm 1967 bằng súng phòng không mười hai ly bảy.
Năm 1967 ấy, ngay sau hôm Trung đội nữ dân quân bắn rơi máy bay thì một cô giao thông của huyện đạp xe về nhà máy Diêm đóng nép trong rừng bùi (trám) và trảu, sở, sát cái bãi tha ma xã Châu Lộc, gặp mẹ tôi, đưa cái công văn thông báo việc này và hình như mời đi dự báo công. Tôi nhớ mẹ tôi tiếp tục triệu tập một cuộc, giống như là mít tinh, vừa phổ biến tin chiến thắng, vừa hân hoan ca ngợi. Tôi 10 tuổi chỉ nhớ láng máng vậy thôi.
Nhưng khi học cấp ba thì tôi lớn rồi. Bác chủ nhà tôi trọ là chủ nhiệm HTX, chỉ cho tôi nhà cô trung đội trưởng, bảo tôi sang chơi rồi... làm bài thơ về cô, vì thi thoảng bác thấy tôi hý hoáy làm thơ, tất nhiên là thơ con cóc của cậu học trò giỏi văn. Tôi nhớ trong thời gian trọ học ở đấy, có gặp mấy cô từng trong đội dân quân ấy, thấy các cô cũng bình thường như mọi phụ nữ khác trong làng mà tôi vẫn gặp.
Mãi sau này, tôi mới làm được bài thơ về xứ Thanh, lấy tên là “Xứ Thanh”, nó như thế này:
Tôi lớn lên từ bãi sông chiều
giăng ngang tuổi thơ gót chân ngày rét
những mùa biển lưng quay ra sóng
ngón hằn trong cát mưa mai.
Xứ Thanh
tôi gặp em ngày Hòn Mê biển động
thế mà tường vi vẫn nở
thế mà một khoảng trời vẫn tím
thế mà chạc chìu đang hứng hở núi xa.
Ngày cả gió em dẫn buồm ra sóng
nâu như đất bãi
một vạt bèo trập trùng tím
một bờ ngô tong tả mở cờ.
Sông trôi
kỳ bí áo nâu bờ bên này hò dô bờ kia dô tá
em ẩn mặt vào đêm tôi nào có thấy
đò ơi đò chở ánh mắt sang sông.
Lá mía cứa vào gió khuya cứa vào hơi thở
hơi thở nào hụt hẫng của em
tôi tắm Sầm Sơn tôi bơi sông Mã
tôi qua cầu Lèn ngược phía Triệu Châu
có một ánh đèn dung dăng câu hát
nhoáng chân trần em cấy trăng rơi.
Tan vào tôi giấc mơ ngày tám
tháng ba chào nón trắng cứ duội đi
hoa xoan rắc đầy trời xao xác gió
chợt là tôi ngơ ngác trước cổng đền.
Giá có thể nghiêng đêm về phía ấy
để tôi nhìn em có nhận tôi không
nhưng mà gió vẫn như là dao cắt
chấp chới câu hò liêu xiêu bên sông.
Cứ phơi vào gió những câu hát buồn
cứ nhuộm vào xoan những vầng sóng tím
cứ lặn vào chiều bơ thờ ánh mắt
cứ tìm trong nhau giấc mơ ngày xưa.
Xứ Thanh
thôi đành
tôi mênh lên như tiếng buồm ngược nước...
Xứ Thanh, cứ mãi mãi trong veo và đậm đặc ký ức của tôi.
Văn Công Hùng